JPMorgan Chase chịu phạt số tiền kỷ lục 13 tỷ USD

JPMorgan Chase chấp nhận chịu phạt số tiền kỷ lục 13 tỷ USD do đã bán các chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp có độ rủi ro cao cho các nhà đầu tư.
JPMorgan Chase chịu phạt số tiền kỷ lục 13 tỷ USD ảnh 1(Nguồn: AFP/Getty Images)

Các quan chức Liên bang cho biết, theo thỏa thuận đạt được với Chính phủ Mỹ ngày 19/11, JPMorgan Chase đã chấp nhận chịu phạt số tiền kỷ lục 13 tỷ USD do đã bán các chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp có độ rủi ro cao cho các nhà đầu tư trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Thỏa thuận bao gồm 9 tỷ USD mà JPMorgan sẽ phải trả cho các cơ quan chức năng và 4 tỷ USD hỗ trợ người tiêu dùng, chủ yếu là người sở hữu nhà.

Trong số 9 tỷ USD trả cho các cơ quan chức năng, 4 tỷ USD là cho Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA) và 5 tỷ USD là các khoản tiền nộp phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ và tiền bồi thường cho các bang và các cơ quan liên bang.

Trong 4 tỷ USD hỗ trợ người tiêu dùng, ít nhất 1,5 tỷ USD là tiền xóa một phần số nợ cho nhiều khách hàng và 500 triệu USD là giảm số tiền mà số khách hàng khác phải thanh toán hàng tháng, còn lại là các khoản cho vay mới cho những người có thu nhập thấp và trung bình ở các khu vực chịu tác động của khủng hoảng nhà đất và là tiền dỡ bỏ nhà không sử dụng.

Trong thỏa thuận trên, ngân hàng lớn nhất của Mỹ thừa nhận đã chứng khoán hóa các khoản vay lãi suất thấp và đảm bảo bằng các tài sản thế chấp để bán cho các nhà đầu tư nhưng thông tin không đúng về độ rủi ro của những tài sản này.

Tuy nhiên, JPMorgan không thừa nhận đã vi phạm luật pháp Mỹ.

JPMorgan cho biết thỏa thuận đã giải quyết tất cả các kiện tụng của chính phủ về chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp.

Giám đốc điều hành ngân hàng, Jamie Dimon, nói vụ dàn xếp với Chính phủ Mỹ đã giải quyết phần lớn các vấn đề liên quan của cả JPMorgan cũng như của hai tập đoàn tài chính Bear Stearns và Washington Mutual mà JPMorgan đã thâu tóm trong thời gian xảy ra khủng hoảng.

Tuy nhiên, JPMorgan vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn các vấn đề về thế chấp. Các cuộc điều tra hình sự liên bang vẫn tiếp tục được tiến hành đối với JPMorgan và nhân viên của ngân hàng này.

Ngoài ra, JPMorgan cũng đối mặt với vụ kiện của các nhà đầu tư tư nhân cũng về chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp.

Ngoài 4 tỷ USD phải trả theo thỏa thuận, JPMorgan còn phải trả riêng cho FHFA, cơ quan đang giám sát hai tập đoàn cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac, 1,1 tỷ USD do đã bán các khoản thế chấp rủi ro cho các tập đoàn này.

Tuần trước, JPMorgan đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc đền bù cho các nhà đầu tư tư nhân 4,5 tỷ USD do những mất mát cũng liên quan đến sản phẩm tài chính nói trên.

Do khó xác định mức độ thiệt hại tài chính theo các yêu cầu được đặt ra trong thỏa thuận, JPMorgan tháng trước cho biết đã dành 23 tỷ USD cho các chi phí pháp lý.

Ngày 19/11, ngân hàng này nói đã chuẩn bị đủ số tiền chi cho vụ dàn xếp vừa hoàn tất, không để ảnh hưởng đến lợi nhuận. Cổ phiếu của JPMorgan vẫn tăng giá 0,7%, lên 56,15 USD khi chốt phiên 19/11.

Vụ xử lý JPMorgan là hành động mới nhất trong một loạt hành động của Chính phủ Mỹ đối với vấn đề chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, căn nguyên chính của cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó là sự sụp đổ của lĩnh vực nhà đất, kéo theo là suy thoái kinh tế năm 2008-2009.

Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá thỏa thuận vừa đạt được bước đi quan trọng hướng đến việc buộc các ngân hàng chịu trách nhiệm về hành vi của họ trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra.

Tổng chưởng lý New York, Eric Schneiderman, nói việc phạt nặng JPMorgan sẽ giúp khôi phục lại lòng tin của các nhà đầu tư tài chính và nhấn mạnh rằng bất kể đó là một tập đoàn lớn đến mức nào thì cũng vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm quy định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục