Kế hoạch cải tổ NSA của ông Obama chưa đủ mạnh

Đa số người Mỹ không ủng hộ cải cách hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do Tổng thống đề xuất hồi tuần trước.

Đa số người Mỹ không ủng hộ các cải cách hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do Tổng thống Barack Obama đề xuất hồi tuần trước.

Đây là kết quả điều tra dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew và USA Today công bố ngày 21/1.

Theo kết quả điều tra, 73% số người đã nghe bài diễn văn của Tổng thống Obama về việc cải cách NSA cho rằng các đề xuất của tổng thống không tạo ra thay đổi lớn trong việc bảo vệ quyền riêng tư của họ.

Một nửa số người được hỏi nói rằng họ không hề biết về đề xuất của ông Obama và 41% cho biết họ chỉ biết một ít về vấn đề này. Trong khi đó, 70% người tham gia cuộc điều tra khẳng định họ sẽ không từ bỏ quyền riêng tư để đổi lại sự an toàn khỏi nguy cơ tấn công khủng bố.

Khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến thu thập thông tin, mức chênh lệch về tỷ lệ giữa hai nhóm ý kiến trái chiều nhau không đáng kể. Khoảng 48% người được hỏi cho rằng hiện vẫn thiếu những quy định về giới hạn loại thông tin mà NSA được phép thu thập, cao hơn chút ít so với mức 41% không đồng tình với ý kiến trên.

Hiện có 53% người Mỹ không tán thành việc NSA thu thập thông tin qua các cuộc gọi và mạng Internet, tăng 9% so với tháng 7/2013. Đối với vụ cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, có 45% người Mỹ cho rằng việc tung ra những thông tin mật là phục vụ cho lợi ích cộng đồng, so với tỷ lệ 43% có ý kiến ngược lại.

Tuy nhiên, tỷ lệ người Mỹ cho rằng chính phủ cần truy tố Snowden chiếm tới 56% trong khi chỉ 32% người dân không tán thành việc này.

Trước đó, hôm 17/1 vừa qua, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu về những đề xuất cải tổ và thay đổi các chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ-NSA.

Trong bài phát biểu dài 43 phút tại Bộ Tư pháp Mỹ, Tổng thống Obama thông báo một loạt những thay đổi, bao gồm chấm dứt gần hết hoạt động theo dõi các nước đồng minh hoặc có quan hệ mật thiết với Mỹ và tiến hành giám sát tư pháp việc chính phủ thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng đề xuất giao trách nhiệm lưu giữ thông tin thu thập được cho một bên thứ ba không phải là các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, đề xuất này cũng đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nghị sĩ cốt cán của Quốc hội./.

Tin cùng chuyên mục