Theo CNBC, trong khi Nga tiếp tục chào hàng để bán hệ thống phòng không chiến lược S-400 của nước này như kế hoạch cho Thổ Nhĩ Kỳ thì một số chuyên gia phân tích Mỹ lại ngày càng hoài nghi về thỏa thuận này.
Thương vụ S-400 tiềm năng này là một trong những "cái dằm" trong mối quan hệ Mỹ-Thổ và cũng làm dấy lên những câu hỏi về những động cơ dài hạn và cam kết của Ankara với liên minh quân sự NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn tự chế tạo S-400 trong một liên doanh với Nga như một phần của một nỗ lực toàn diện nhằm tạo ra sự tinh thông trong hoạt động sản xuất quân sự của nước này.
Sự sắp đặt này sẽ có nghĩa là Nga sẽ phải chia sẻ công nghệ với Thổ Nhĩ Kỳ, song tất cả những dấu hiệu từ trước tới nay đều cho thấy Moskva gần như chắc chắn sẽ không cho phép điều này xảy ra.
Mặt khác, theo các chuyên gia, thương vụ này cũng có nhiều vấn đề, trong đó có việc thiết bị quân sự Nga thiếu khả năng liên kết với các lực lượng vũ trang NATO. Không một đồng minh NATO nào hiện sử dụng S-400.
[Tên lửa S-500, siêu vũ khí có thể diệt mọi loại máy bay tàng hình Mỹ]
Ông Luke Coffey, Giám đốc Trung tâm Allison về Chính sách Đối ngoại thuộc Quỹ Heritage, khẳng định: "Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra" vì Ankara đang lợi dụng người Nga như một đòn bẩy để đạt được một thỏa thuận tốt hơn về hệ thống phòng không của Mỹ hoặc một đồng minh châu Âu cũng như việc Moskva sẽ không chuyển giao công nghệ S-400 cho Ankara.
Tương tự, chuyên gia Vladimir Kojin - một cố vấn của Tổng thống Nga Putin, cũng cho biết Nga sẽ không chuyển giao công nghệ mà Ankar tìm kiếm.
Trong khi đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nêu rõ: "Nếu Nga không muốn thực hiện, chúng tôi sẽ thỏa thuận với nước khác."
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hunter Keay của Wolfe Reasearch, Tổng thống Erdogan đã "bác bỏ" những tuyên bố của Ngoại trưởng Cavusoglu và thông báo đang các cuộc đàm phán về hệ thống tên lửa S-500 vẫn đang trong quá trình phát triển," một phiên bản mới hơn của hệ thống quốc phòng Nga.
Chuyên gia Keay cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chuyển hướng một lần nữa, nhưng sự xa cách từ Mỹ/NATO và mối quan hệ mật thiết hơn với Nga có thể tạo ra những rủi ro liên quan tới những chương trình đang tồn tại như F-35.
Bất chấp những căng thẳng trong liên minh Mỹ-Thổ, giới chuyên gia nhận định Tổng thống Erdogan đang đóng vai là một khán giả trong nước với kế hoạch mua sắm vũ khí hạng nặng của Nga bởi điều này phù hợp với chiến lược của ông nhằm tiếp tục củng cố quyền lực và phô trương thanh thế siêu cường khu vực mà không màng tới NATO./.