Kế hoạch phòng thủ tên lửa mới không thể bảo vệ Mỹ?

Mỹ đã lựa chọn một chiến lược mà các chuyên gia coi là "quan hệ cùng giữ nhau làm con tin," trong đó cả Mỹ và Nga đều đảm bảo rằng họ có khả năng loại bỏ đối thủ.
Kế hoạch phòng thủ tên lửa mới không thể bảo vệ Mỹ? ảnh 1Binh sỹ Mỹ khởi động hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong cuộc thử nghiệm tại Sochaczew, Ba Lan năm 2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin forbes, ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch bị trì hoãn lâu nay của Lầu Năm Góc về việc bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Nếu cho rằng bảo vệ nước Mỹ là ưu tiên quân sự hàng đầu, cần xem xét lại thực tế rằng số tiền mà Lầu Năm Góc đang chi ra để hỗ trợ chính quyền đang bị lung lay ở Afghanistan nhiều gấp 10 lần số tiền mà họ bỏ ra để bảo vệ quốc gia khỏi một cuộc tấn công hạt nhân - một mối nguy hiểm có thể phá hủy toàn bộ nước Mỹ ngay trước khi mặt trời lặn.

Kế hoạch mới được công bố sẽ không thể thay đổi thực tế này trong một sớm một chiều.

Theo đánh giá động thái hạt nhân mà chính quyền Mỹ công bố năm ngoái, Washington chủ yếu vẫn tiếp tục các chương trình được kế thừa từ thời cựu tổng thống Barack Obama, và không đưa ra bất kỳ đề xuất nào nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân mới nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt, chứ chưa nói đến việc thiết lập các hệ thống phòng thủ chủ động.

Thay vào đó, chính quyền Washington lại tập trung vào phát triển khả năng răn đe hạt nhân để ngăn chặn các quốc gia như Nga và Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn bằng cách đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ.

Đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử, một cường quốc quân sự lựa chọn không đầu tư vào phòng thủ trên diện rộng để chống lại mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của chính cường quốc ấy.

Thay vào đó, Mỹ đã lựa chọn một chiến lược mà các chuyên gia coi là "quan hệ cùng giữ nhau làm con tin," trong đó cả Mỹ và Nga đều đảm bảo rằng họ có khả năng loại bỏ đối thủ.

Tư duy này được hình thành trong bối cảnh các công nghệ phòng thủ khi đó không đủ sức đánh bại các vũ khí hạt nhân.

Cựu Tổng thống Ronald Reagan cho rằng "quan hệ cùng giữ nhau làm con tin" là một thảm họa chỉ đợi để xảy ra, và ông đề nghị thay đổi trọng tâm hướng tới việc phát triển phòng thủ trên không gian, thứ có khả năng chặn đứng các tên lửa đạn đạo tầm xa của Nga.

Tuy nhiên, không có tổng thống Mỹ nào sau Reagan tin rằng điều này là khả thi và Washington đủ khả năng chi trả cho một kế hoạch như vậy, do đó sự tồn vong của nước Mỹ hiện nay phụ thuộc vào việc khiến đối thủ lo sợ và không dám có các động thái hạt nhân hung hăng.

Lầu Năm Góc chi phần lớn ngân sách chiến lược của họ vào việc đảm bảo rằng cho dù kẻ thù có "ném" gì vào nước Mỹ trong một cuộc tấn công bất ngờ, thì Mỹ có thể trả đũa khiến kẻ tấn công không thể nào chịu đựng nổi.

Thật không may, về dài hạn, ông Reagan có thể đã đúng. Không gì tồn tại mãi mãi, và một ngày nào đó, biện pháp răn đe kẻ thù bằng cách dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ sẽ không còn tác dụng.

[Lý do mà Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa]

Cũng có thể lãnh đạo của các cường quốc hạt nhân sẽ trở nên điên rồ. Hoặc có thể họ có đầu óc sáng suốt nhưng sẽ phạm phải sai lầm khi xảy ra khủng hoảng. Hoặc hệ thống cảnh báo sớm của họ gặp trục trặc kỹ thuật (điều đã từng xảy ra rất nhiều lần).

Vô số các khả năng có thể xảy ra, và chiến tranh hạt nhân vẫn luôn là mối đe dọa có khả năng chấm dứt nền văn minh của nước Mỹ.

Từ những lập luận trên có thể đi tới kết luận rằng Mỹ cần hiện đại hóa bộ ba hạt nhân đã lỗi thời của nước này. Cho tới khi có một cách tiếp cận tốt hơn nằm trong tầm với, Washington phải làm mọi việc có thể để thuyết phục những kẻ thù tiềm tàng của nước Mỹ rằng một cuộc tấn công hạt nhân sẽ là tự sát.

Tuy nhiên, chúng ta không thể đảm bảo rằng thông điệp này sẽ được những nơi như Iran hay Triều Tiên tiếp nhận, do đó Mỹ cần đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa bằng hết khả năng của mình.

Tư duy được phản ánh trong kế hoạch phòng thủ tên lửa vừa được công bố ngày 17/1 là 30 năm đầu tư khiêm tốn vào các công nghệ phòng thủ đã khiến Mỹ chỉ có thể đánh bại một cuộc tấn công nhỏ và đơn giản từ các quốc gia như Triều Tiên.

Ví dụ, nếu Mỹ xây dựng một hệ thống đánh chặn tên lửa hai lớp, và mỗi lớp hiệu quả tới 80%, thì về mặt lý thuyết chỉ có 1 trong tổng số 25 đầu đạn đến được mục tiêu. Triều Tiên có thể không có nhiều đầu đạn tới vậy, và hiện tại nước này cũng chưa thể gắn các đầu đạn vào các tên lửa tầm xa.

Mặc dù vậy, trong trường hợp của Nga, nước này có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân đang hướng về nước Mỹ, đó là chưa kể tới tất cả các vũ khí hạt nhân tầm ngắn có thể được sử dụng để tấn công các đồng minh và quân đội của Mỹ ở nước ngoài.

Không có thứ nào trong kho vũ khí phòng thủ hiện tại của Mỹ, hoặc những vũ khí sẽ được xây dựng trong tương lai gần, có khả năng đối phó với một cuộc tấn công với quy mô như vậy.

Giống như kế hoạch của Reagan, kế hoạch mà Lầu Năm Góc công bố ngày 17/1 cũng lường trước được việc hệ thống cảm biến và đánh chặn trong không gian sẽ dẫn tới việc phải đánh đổi giữa khả năng tấn công và phòng thủ, tuy nhiên sẽ cần tới một thập kỷ, hoặc thậm chí lâu hơn, để làm được điều này.

Đây cũng chính là trở ngại chính trị lớn nhất đối với việc xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh cho nước Mỹ. Vòng xoay chính trị ngắn hơn vòng xoay phát triển các công nghệ phòng thủ phức tạp, và mỗi khi một chính quyền của đảng Cộng hòa tìm cách xây dựng một thứ gì đó hiệu quả hơn thì một chính quyền của đảng Dân chủ sẽ sớm tìm cách ngăn chặn điều đó.

Nhìn chung, quan điểm của đảng Dân chủ là kiểm soát vũ khí hiệu quả hơn so với xây dựng hệ thống phòng thủ trong việc giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân, và rằng bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm củng cố hệ thống phòng thủ sẽ đều gây bất ổn cho thế cân bằng hạt nhân hiện nay do sẽ kích động các đối thủ của Mỹ mua sắm thêm vũ khí.

Lý do này giải thích tại sao trong Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định chính sách Mỹ lại tin rằng Nga cần được đảm bảo khả năng loại bỏ nước Mỹ. Đó là cách duy nhất để ngăn chặn Moskva mua sắm thêm vũ khí hạt nhân và bắt đầu đối thoại một cách nghiêm túc về việc giảm bớt kho vũ khí.

Tất nhiên, vấn đề là mặc dù kho vũ khí đã cắt giảm nhiều, song cả hai bên đều không lường trước một ngày mà khả năng răn đe có thể sụp đổ (ví dụ trong tình huống xảy ra khủng hoảng).

Khi đó, nền dân chủ Mỹ sẽ biến mất - hàng chục triệu người sẽ chết, và Mỹ sẽ không bao giờ phục hồi được như xưa.

Câu hỏi quan trọng nhất mà các nhà hoạch định chính sách nên đặt ra về hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay là liệu những tiến bộ về công nghệ trong ba thập kỷ qua kể từ thời tổng thống Reagan có giúp quân đội Mỹ có thêm công cụ để vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân lớn hơn mối đe dọa từ Triều Tiên hay không.

Những công cụ này không chỉ cần có khả năng chống lại kho vũ khí hiện nay của Nga - vốn chủ yếu bao gồm các tên lửa đạn đạo, mà còn phải đủ khả năng đối phó với những vũ khí trong tương lai.

Chính quyền Trump không biết câu trả lời. Washington cho rằng họ có thể đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Iran và Triều Tiên, nhưng Trung Quốc và Nga sẽ là những thách thức lớn hơn trong tương lai gần.

Một phần quan trọng trong kế hoạch của Lầu Năm Góc là đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ trong không gian có khả năng phát hiện và ngăn chặn một số lượng lớn các đầu đạn.

Cho dù có tìm ra giải pháp công nghệ như vậy, thì nhiều khả năng người dân Mỹ sẽ vẫn là "con tin" của những đối thủ hùng mạnh nhất của nước Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục