Kết hợp nghệ thuật sắp đặt với biểu diễn rối nước

Từ ý tưởng “để các con rối nước được “sống” ngay cả lúc không có nước,” các nghệ sỹ đã đưa các con rối gỗ vào nghệ thuật sắp đặt.
Ngày 18/11, Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội) đã tổ chức trình diễn "Nghệ thuật sắp đặt rối" và ra mắt chương trình biểu diễn 10 trò rối nước mới, đạt huy chương vàng tại Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ II tại Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên các con rối trong các tích trò rối nước quen thuộc ra mắt công chúng Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế dưới hình thức nghệ thuật sắp đặt, giàu tính biểu cảm.

Từ ý tưởng “để các con rối nước được “sống” ngay cả lúc không có nước,” nhóm nghệ sỹ Nhà hát múa rối Thăng Long với sự giúp đỡ của các họa sỹ, nghệ nhân làm rối cổ truyền, đã mạnh dạn đưa các con rối gỗ đủ màu sắc, hình hài lớn nhỏ, vào thế giới của nghệ thuật sắp đặt.

Ở đây, các con rối trình diễn một nghệ thuật khác không kém phần độc đáo, bằng chính chính cơ thể rối của mình và như cách nói của nghệ sỹ Đăng Tiến "những nụ cười tươi rói, những dáng đứng, những đạo cụ như cái cuốc, cái cưa, cái nơm... trên tay con rối khi đứng trong một không gian có mục đích, có ý tưởng bỗng trở nên có hồn, có sức sống."

Trong không gian mở của nghệ thuật sắp đặt, người xem có thể cảm nhận được cảnh sông nước với đàn trẻ nô đùa, thuyền chài tung lưới đầy cá lao xao; hình ảnh những người nông dân mộc mạc áo nâu sòng, khăn vấn đầu, quần xắn cao; cảnh bà lão ngồi ôm gối bên các ngọn đèn dầu mơ về thế giới thần tiên, huyền ảo; cảnh đám rước linh đình, đón Trạng vinh quy bái tổ hồ hởi dọc triền đê...

Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long cho biết nhà hát còn xây dựng một chương trình biểu diễn đặc sắc, với âm nhạc truyền thống gồm hát xẩm, độc tấu đàn bầu, nhạc cụ dân tộc và 10 trò rối mới đạt huy chương vàng tại Liên hoan quốc tế như trống hội, múa rồng, chọi trâu, rước Thành hoàng làng, đua ngựa, hát văn, cá hóa long.../.

Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục