Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế tạo Việt Nam-Nhật Bản

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế tạo Việt Nam-Nhật Bản ảnh 1Ông Vũ Bá Phúc, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu tại buổi họp giới thiệu triển lãm VME 2023 và SIE tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 10 (SIE) và Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp (VME) lần thứ 14 được tổ chức tháng Tám tới đây tại Hà Nội sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Thông tin tại buổi họp báo và ký thỏa thuận hợp tác công bố tổ chức 2 triển lãm trên do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Công ty RX Tradex Việt Nam (Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tổ chức ngày 20/6, tại Hà Nội, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét.

[Cầu nối giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng]

Đáng lưu ý, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Phú khẳng định Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp.

“Việc tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản,” ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế tạo Việt Nam-Nhật Bản ảnh 2Ban tổ chức cho biết tham gia khu vực gian hàng SIE lần thứ 10 có 22 doanh nghiệp trưng bày của Nhật Bản mong muốn được mua hàng từ các nhà sản xuất địa phương Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Nhật Bản, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) cho biết theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam tăng từ mức 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng, nhưng vẫn còn rất chậm so với tốc độ phát triển kịnh tế của hai nước.

Vì vậy, với sáng kiến nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Jetro đã tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản luân phiên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự hợp tác và ủng hộ của Chính phủ Việt Nam. Dự án này được bắt đầu từ tháng 9/2003 dưới sự nhất trí cao của lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Việt Nam, bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, đến nay là lần thứ 10 tổ chức tại Hà Nội.

Ông cho hay năm nay tham gia khu vực gian hàng SIE có 22 doanh nghiệp trưng bày của Nhật Bản mong muốn được mua hàng từ các nhà sản xuất địa phương Việt Nam. Đối với các đơn vị trưng bày của Việt Nam, Jetro đã tuyển chọn được 28 doanh nghiệp tham gia với sự hợp tác của đơn vị tổ chức - Cục Xúc tiến Thương mại và Trung tâm Phát triển Công nghiệp (Cục công nghiệp-Bộ Công Thương) và VASI (Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

“Hầu hết các doanh nghiệp được chọn là những nhà sản xuất tiềm năng trong ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ tham gia trưng bày sản phẩm và giới thiệu năng lực cung ứng của doanh nghiệp mình tại triển lãm,” ông Takeo Nakajima nói.

Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam thông tin thêm, theo báo cáo bán niên cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng thế giới, để có thể hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiêụ quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều đó bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến và nông nghiệp.

“Thông qua các hội nghị, triển lãm quốc tế, RX Tradex Việt Nam mong muốn hợp tác cùng Jetro và Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức triển lãm kéo VME-SIE, như một cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các nhà sản xuất phụ tùng, các công ty trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực sản xuất có liên quan,” ông Vũ Trọng Tài nhấn mạnh.

Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản (SIE) lần thứ 10 tại Hà Nội và “Triển lãm quốc tế về công nghiệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2023) lần thứ 14 sẽ diễn ra từ 9-11/8/2023 tại trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn hóa Hữu nghị), phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Triễn lãm với sự góp mặt của hơn 200 đơn vị là các nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia. Trong khuôn khổ triển lãm sẽ có nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục