Kết nối hợp tác các doanh nghiệp hai nước Việt - Nga

Kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga

Buổi gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư Liên bang Nga được tổ chức tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nga.
Kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga ảnh 1Vận hành hệ thống khai thác dầu thô tại mỏ Bạch Hổ thuộc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí thuộc Liên doanh Việt Nga (Vietsovpetro). Ảnh minh họa. (Nguồn: Huy Hùng/TTXVN)

Hàng chục doanh nghiệp đến từ Nga trong các lĩnh vực điện, xây dựng, tàu điện ngầm, hóa chất, hóa dầu đã tham gia buổi kết nối và gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp và nhà đầu tư Liên bang Nga do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã tổ chức ngày 22/10.

Đây là hoạt động nhằm kết nối và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, hợp tác thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp Liên bang Nga.

Theo VCCI, hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Liên bang Nga đã đạt nhiều thành tựu, thông qua việc thực hiện các dự án công nghệ cao của cả hai nước trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau ở nhiều cấp độ, và cụ thể nhất là ở cấp độ doanh nghiệp.

Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-Liên bang Nga phát triển nhanh trong những năm qua, kim ngạch thương mại năm 2013 đạt gần 4 tỷ USD, 7 tháng năm 2014 đạt 1,52 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga với các nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tuy tăng trưởng nhưng giá trị tuyệt đối thấp, hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu... Đáng chú ý là tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng công nghệ cao còn thấp. Trong khi đó, tiềm năng tiếp thu công nghệ từ nước ngoài, cụ thể như từ Liên bang Nga, hầu như chưa được phát huy.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan dự kiến sẽ tạo bước đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và Chính phủ hai phía, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển dựa vào sự đổi mới.

Với cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp Liên bang Nga trong lĩnh vực điện, xây dựng và các ngành khác sẽ giúp cho Việt Nam có điều kiện tiếp thu các công nghệ mới, phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Công ty Leading Perfomance Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nam cho biết: “Tôi rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ của Nga, và một trong những lĩnh vực đó là công nghệ về con người. Liên bang Nga có sự phát triển rất mạnh về các lĩnh vực năng lượng, khoa học - công nghệ cao nhưng phía Việt Nam thì lại thiếu điều này. Thông qua những hội thảo gặp gỡ này, doanh nghiệp sẽ có thể nắm rõ hơn các thông tin về doanh nghiệp Liên bang Nga, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao khả năng công nghệ của mình”.

Đại diện phía Liên bang Nga, Chủ nhiệm Dự án Nga-Việt Nam, bà Strozaeva Lubov Viktorovna cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế. Việc có thể đẩy mạnh hợp tác liên quốc gia giữa Liên bang Nga và Việt Nam sẽ khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ...; hợp tác phát triển cùng có lợi, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

"Chúng tôi cũng đề nghị phía Việt Nam có thể phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế vào năm 2015 về triển vọng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao của Nga, từ đó xác định những khía cạnh quan trọng nhất để phát triển và tạo động lực để tăng cường hơn nữa hợp tác công nghệ, đặc biệt là hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước.

Thị trường Việt Nam với gần 90 triệu người tiêu dùng và cửa ngõ tiếp cận thị trường rộng lớn khác nhờ sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, các khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật,... sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Liên bang Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục