Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20: Vỗ tay dè dặt

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Cannes được đặt nhiều kỳ vọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan rộng toàn cầu. Nhưng khi “chủ nhà” châu Âu rơi vào cảnh bất đồng nghiêm trọng vì ý định bất ngờ của Hy Lạp về việc tổ chức trưng cầu dân ý, những kỳ vọng đó cũng dần tan biến.

Không một nguyên thủ nào nhắc đến hai chữ “thành công”. Tất cả chỉ dừng lại ở mức độ “thông hiểu.”

Bị bóng ma khủng hoảng Hy Lạp ám ảnh, cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Cannes khó có thể nói là đã thành công như kỳ vọng ban đầu.

Bóng ma Hy Lạp

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Cannes được đặt nhiều kỳ vọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan rộng toàn cầu. Nhưng khi “chủ nhà” châu Âu rơi vào cảnh bất đồng nghiêm trọng vì ý định bất ngờ của Hy Lạp về việc tổ chức trưng cầu dân ý, những kỳ vọng đó cũng dần tan biến

Lịch trình của hai ngày họp ngắn ngủi ở Cannes đã bị xáo trộn ghê gớm. Hầu như cả ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh (3/11), câu chuyện giữa các nguyên thủ là mối lo Hy Lạp và nguy cơ cận kề của khu vực đồng Euro. Buổi chiều 3/11, truyền hình Pháp bắt được một khung hình đầy biểu cảm: ông Nicolas Sarkozy nét mặt đăm chiêu nhìn vào khoảng không, bên cạnh là bà Angela Merkel đang khum tay diễn tả với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron về nguy cơ “quả bom” nợ công châu Âu phát nổ.

[Khủng hoảng Eurozone: Khi Hy Lạp vẫn là ngòi nổ]

Cũng không có một thông tin đặc biệt nào được đưa ra trong ngày 3/11, ngoại trừ điều được chờ đợi nhất đến cuối buổi chiều: với khuôn mặt sụp đi vì mệt mỏi, Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandreou cho biết nhiều khả năng sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý nào cả. Nguy cơ của một sự sụp đổ dây chuyền trong khu vực đồng Euro được giải tỏa.

Nhưng Hội nghị G20 cũng đã đi hết 2/3 chặng đường. Và G20 chỉ còn lại vài giờ đồng hồ trong buổi sáng 4/11 để cố tìm ra được tiếng nói chung trong các vấn đề khác trước khi bế mạc vào đầu giờ chiều.

Không một nguyên thủ nào nhắc đến hai chữ “thành công”. Tất cả chỉ dừng lại ở mức độ “thông hiểu.”

Kết quả không ấn tượng

Khi vấn đề riêng của chủ nhà châu Âu bỗng trở thành câu chuyện chung của Hội nghị, các vị khách cũng bị đưa vào thế không thể nhắm mắt làm ngơ mà không lên tiếng.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đăng đàn kêu gọi châu Âu “cần có những hành động quyết liệt hơn nữa để đưa mọi thứ vào trật tự.” Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngoại giao hơn nhưng cũng không kém cứng rắn “chính châu Âu phải giải quyết chuyện nợ nần của mình trước tiên” còn Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thì thúc giục “còn rất nhiều việc phải làm và phải nhanh lên.”

G20 từ chỗ là không gian đi tìm những quyết sách chung của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới bỗng biến dạng thành một không gian của những lời rao giảng từ những nền kinh tế mới nổi và sự trấn an từ châu Âu rằng “châu Âu sẽ làm hết nghĩa vụ của mình.”

Sau những lời lẽ ngoại giao hô hào quyết tâm là những kết quả không thực sự ấn tượng.

Cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, ban đầu vốn là chủ đề quan trọng hàng đầu của nghị trình, phải rất vất vả mới đạt được một thành công mang tính biểu tượng. Một trong những vấn đề đáng bàn nhất của chủ đề này là việc biến động tỷ giá USD/euro trong thời gian qua, được coi là nhân tố gia tăng khủng hoảng. Không có một kết quả cụ thể nào được đưa ra và kết luận của Hội nghị là “đã đạt được những tiến bộ trên con đường cải cách hệ thống tiền tệ” và cam kết của các quốc gia “tăng cường sự linh hoạt của tỷ giá để phản ánh thực chất những nền kinh tế.”

Điều đạt được đáng kể nhất là thỏa thuận cấp thêm tiền cho IMF để Quỹ tiền tệ quốc tế có thêm sức mạnh ứng phó với các tình huống khủng hoảng. Cũng có thể kể thêm việc Hội đồng bình ổn kinh tế, một cơ quan do G20 lập ra năm 2009, sẽ công bố danh sách 29 Ngân hàng lớn được coi là trụ cột trong cuộc khủng hoảng nhằm đưa ra những chính sách bảo vệ các Ngân hàng này. Nhưng cũng phải sớm nhất thì đến đầu năm 2012 việc này mới được tiến hành.

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc lâu nay bị chỉ trích vì cố tình định giá đồng NDT thấp hơn thực chất để đẩy mạnh xuất khẩu, nên việc nền kinh tế số 2 thế giới cam kết điều chỉnh lại tỷ giá NDT là một điểm sáng của Hội nghị G20. Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá đây là “một quyết định quan trọng trong giai đoạn sống còn của tăng trưởng.”

Tuy nhiên, điều các nhà phân tích vẫn hoài nghi đó là Trung Quốc đã đưa ra cam kết trên trong tổng thể một cam kết rộng hơn là “tăng cường tiêu thụ nội địa, cải cách hệ thống phúc lợi xã hội, tăng thu nhập tầng lớp bình dân, tiến tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như hiện nay.” Nói cách khác, Trung Quốc sẽ thay đổi tỷ giá đồng NDT một cách từ từ dựa trên việc điều chỉnh những cam kết lớn vừa nêu.

Đánh thuế các giao dịch tài chính. Đây là chủ đề mà châu Âu, đặc biệt là nước chủ nhà Pháp, rất kỳ vọng sẽ được thông qua, nhưng rốt cục cũng không đi đến đích. Các nước như Argentina, Nam Phi, Brazil vì lợi ích riêng nên không mặn mà với chủ đề này, cũng không đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào và châu Âu đành quay về với sân chơi của riêng mình. Tổng thống chủ nhà Nicolas Sarkozy vớt vát rằng Thông cáo cuối cùng của hội nghị “có ám chỉ rõ ràng” về chuyện đánh thuế. Nhưng ám chỉ thì vẫn chỉ là… ám chỉ và G20 đã bỏ qua chủ đề này, để mặc châu Âu, với Pháp và Đức đầu tàu, hô hào quyết tâm thực hiện việc đánh thuế giao dịch tài chính ở châu Âu vào đầu năm 2012.

Những chủ đề còn lại, như tham vọng đưa vào Nghị trình của nước chủ nhà Pháp, như thành lập Nhóm làm việc về việc làm cho Thanh niên, cải cách các quy định tài chính liên quan đến các thiên đường thuế, hỗ trợ châu Phi chống đói nghèo…. đều bị lướt qua một cách mờ nhạt, thậm chí là không có nổi một dòng kết luận trong Thông cáo chung của G20.

Hy vọng thay đổi phải đợi thêm ít nhất một năm nữa./.

Quang Nguyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục