Kết thúc phiên họp 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong 5 ngày làm việc khẩn trương, về công tác lập pháp, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 7 dự án Luật.
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, sáng 15/8, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (Quốc hội) Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, về công tác lập pháp, Ủy ban đã cho ý kiến về 7 dự án Luật (cho ý kiến lần đầu 3 dự án và cho ý kiến tiếp về 4 dự án).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan cần sớm hoàn chỉnh, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được cơ bản nhất trí để có thể đưa ra trình tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (khóa XII).

Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nâng cấp toàn diện, thuyết phục, có chiều sâu hơn Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho Quốc hội (khóa XII) giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 6 và ra được Nghị quyết.

Về hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là phiên chất vấn có chất lượng, được dư luận đánh giá cao, cần sớm tổng hợp, báo cáo để gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục theo dõi sát các vấn đề đã chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở việc chuẩn bị tốt cho các phiên họp thứ 23 (từ 9 đến 18/9) và thứ 24 (31/9- 3/10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Pháp luật về những vấn đề liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn là công ty Tiên Sơn (Thanh Hóa) với bị đơn là công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Tuấn (Hà Tĩnh).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu để tiếp tục thảo luận trong các phiên họp tiếp theo của Ủy ban.

Qua xem xét, thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục kèm theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp nhiều ý kiến về sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung dự án Luật cũng như các nội dung đề xuất, sửa đổi, bổ sung nêu trong dự thảo.

Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.sẽ tiếp tục được thảo luận tại các phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi đưa ra thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (khóa XII)./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục