Kêu gọi LHQ ra nghị quyết về đàm phán cấm vũ khí hạt nhân

Một nhóm 6 nước gồm Áo, Brazil, Ireland, Mexico, Nigeria và Nam Phi đã trình dự thảo nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc hối thúc khởi động đàm phán vào năm 2017 nhằm cấm vũ khí hạt nhân.
Kêu gọi LHQ ra nghị quyết về đàm phán cấm vũ khí hạt nhân ảnh 1(Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, một nhóm 6 nước gồm Áo, Brazil, Ireland, Mexico, Nigeria và Nam Phi đã trình dự thảo nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc hối thúc khởi động đàm phán vào năm 2017 nhằm cấm vũ khí hạt nhân.

Các nguồn thạo tin cho biết dự thảo này sẽ được xem xét trong cuộc họp của Ủy ban thứ nhất Liên hợp quốc về các vấn đề an ninh và giải trừ quân bị vào tuần tới.

Bản dự thảo gồm 3 trang, bày tỏ quan ngại sâu sắc về "những hậu quả nhân đạo thảm khốc của việc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào," đồng thời hối thúc Liên hợp quốc khởi động đàm phán vào năm 2017 nhằm thảo luận về một biện pháp cấm vũ khí hạt nhân có tính ràng buộc về pháp lý, hướng đến loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.

Nếu được thông qua, dự thảo sẽ được trình lên phiên họp toàn thể của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 12 tới.

Trước đó, Mỹ từng tuyên bố phản đối mọi nghị quyết kêu gọi đàm phán đa phương về vấn đề này, trong khi Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới bị tấn công bằng bom nguyên tử vẫn chưa đưa ra quan điểm của mình.

Thông tin trên được đưa ra sau khi một nhóm làm việc về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc hồi tháng 8 vừa qua đã thông qua một báo cáo gửi lên Đại Hội đồng Liên hợp quốc để các cuộc đàm phán về cấm vũ khí hạt nhân được bắt đầu vào năm tới.

Trong một thông điệp nhân "Ngày quốc tế Giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân," được tổ chức hàng năm vào ngày 26/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, trong bối cảnh thế giới đối mặt với mối nguy hiểm và căng thẳng hạt nhân đang gia tăng trong khi tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương trở nên bế tắc.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, có nhiều nước vẫn tiếp tục đưa việc sở hữu hạt nhân để phòng vệ vào học thuyết an ninh. Tuy nhiên, xu thế gần đây cho thấy vũ khí hạt nhân không thể đảm bảo cho hòa bình và an ninh.

Hơn thế nữa, sự phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân của những nước này đã trở thành nguyên nhân chính của những mối căng thẳng quốc tế.

Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân được ký năm 1968 và chính thức có hiệu lực năm 1970. Ngày 11/5/1995, hơn 170 quốc gia quyết định mở rộng hiệp ước không giới hạn và không điều kiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục