Khai mạc Diễn đàn Hợp tác Văn hóa châu Á 2011

Thứ trưởng Lê Khánh Hải giới thiệu công tác bảo vệ văn hóa phi vật thể của Việt Nam tại Diễn đàn ACCF 2011 tổ chức tại Hong Kong.
Diễn đàn Hợp tác Văn hóa châu Á 2011 (ACCF 2011) đã chính thức khai mạc sáng 8/10 tại Hong Kong với sự tham dự của Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc Thái Vũ cùng nhiều quan chức ngành văn hóa các nước châu Á và chính quyền sở tại.

ACCF 2011 tập trung vào chủ đề "Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể: Từ tầm nhìn tới hành động," dự kiến kéo dài tới ngày 11/10.

Thay mặt đoàn Việt Nam phát biểu tại ACCF 2011, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết Chính phủ Việt Nam xác định di sản văn hóa là một nhân tố quan trọng cần được bảo vệ khi thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng "Chiến lược Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể - Tầm nhìn tới năm 2020" với nhiều nội dung thiết thực và cụ thể, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tôn vinh và đãi ngộ những nghệ nhân tiêu biểu nắm giữ và có công bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, không ngừng học hỏi và kế thừa kinh nghiệm bảo vệ văn hóa của nhân loại. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam ngày càng mở rộng và đạt được những thành tựu đáng khích lệ, từ việc xây dựng hệ thống pháp lý về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tới việc tăng cường đầu tư tài chính, giáo dục cho thế hệ trẻ và lập hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng thừa nhận Việt Nam đang phải đối diện với một số khó khăn thách thức trong công tác bảo vệ văn hóa phi vật thể như nhận thức về việc bảo vệ văn hóa phi vật thể chưa thực sự sâu sắc và toàn diện dẫn tới nhiều vướng mắc trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Ngoài ra, lực lượng cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực chuyên môn. Các chương trình, dự án về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể còn thiếu sự tham gia một cách sâu rộng của cộng đồng, dẫn đến hiệu quả chưa cao hoặc kém tính bền vững.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hơn nữa của các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

ACCF 2011 cũng ghi nhận nhiều ý kiến và tham luận trao đổi kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Singapore.

Theo sáng kiến của Cục Nội vụ Hong Kong, ACCF bắt đầu triển khai từ năm 2003 nhằm tăng cường hợp tác văn hóa khu vực và thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa, nghệ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục