Khai mạc liên hoan thư pháp lấy cảm hứng từ thơ văn trong vốn cổ

Triển lãm thư pháp “Thăng Long-Hà Nội” giới thiệu hơn 100 tác phẩm thư pháp và thư họa lấy cảm hứng từ thơ văn trong vốn cổ; tong đó có những nhà thư pháp nổi tiếng như Kiều Quốc Khánh.
Khai mạc liên hoan thư pháp lấy cảm hứng từ thơ văn trong vốn cổ ảnh 1Triển lãm thu hút nhiều khán giả là người cao tuổi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triển lãm và liên hoan thư pháp “Thăng Long-Hà Nội” khai mạc chiều ngày 2/10 tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhằm tôn vinh một nét đẹp văn hóa, giới thiệu đến công chúng một môn nghệ thuật hấp dẫn, thú chơi được nhiều người yêu thích.

Đáng chú ý, các bức thư pháp bằng chữ Hán Nôm và chữ quốc ngữ đều lấy cảm hứng từ các tác phẩm thơ văn trong kho tàng văn học Việt Nam, chẳng hạn như “Cảm xúc chùa Kim Liên” thơ của Nông Quốc Chấn, “Về Bắc đi qua sông Nhị Hà” của Trần Danh Án, “Vịnh đàn Đồng Cổ” thơ của Trần Bá Lãm và “Tây Hồ Vọng Nguyệt” của Tản Đà.

Nhà thư pháp Nguyễn Bang, 65 tuổi, là một trong số 100 tác giả có tác phẩm trưng bày tại triển lãm. Ông mang đến bức thư pháp bốn chữ Văn Trị-Vũ Công trong văn bia tiến sĩ, là hai phẩm chất của bậc danh sĩ đời xưa, với ý nghĩa “dùng văn hóa để đối nhân xử thế, dùng võ để trị quốc, bình thiên hạ.”

Tham gia triển lãm lần này, ông cũng như các nhà thư pháp khác đều cảm thấy rất phấn khởi.

Ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cho biết triển lãm đã kết nối các câu lạc bộ thư pháp Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo nên một sân chơi văn hóa lành mạnh.

“Các tác phẩm được sáng tác dựa trên các tác phẩm văn học nghệ thuật của các danh nhân, các tiến sĩ khoa bảng đời xưa, thể hiện nét đẹp văn hóa, giáo dục của dân tộc,” ông Kiêu nói.

Nội dung của các tác phẩm là ca ngợi con người và cảnh đẹp Thăng Long-Hà Nội; giá trị văn hóa, lịch sử đất kinh kỳ; truyền thống giáo dục và đào tạo nhân tài tại Quốc Tử Giám…

Tại sự kiện văn hóa này, một số hoạt động cũng diễn ra đồng thời như: Trình diễn thư pháp, tặng chữ, tọa đàm về hoạt động thư pháp, giao lưu giữa các câu lạc bộ Thư pháp, tương tác giữa các câu lạc bộ Thư pháp và du khách, du khách thể nghiệm viết thư pháp…

Đây là một hoạt động văn hóa ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Thư pháp xưa nay vốn là nghệ thuật của đường nét của các loại hình văn tự. Với đặc trưng sử dụng mực nho, kết hợp các yếu tố kỹ thuật điều khiển ngọn bút lông, từng đường từng nét con chữ tung hoành biến hóa sinh động trên giấy tạo nên một chỉnh thể tác phẩm thư pháp hài hòa và mang những đặc điểm nghệ thuật rất riêng biệt. Trong nhiều năm qua, hoạt động thư pháp đã được đông đảo công chúng của Thủ đô và cả nước quan tâm và đón nhận. Thư pháp dần trở thành một nét sinh hoạt văn hóa không chỉ trong những dịp đầu xuân. Một bức thư pháp để đạt đến sự hoàn mỹ cần rất nhiều yếu tố, không chỉ là viết đẹp mà còn thể hiện sự nội tâm của người viết.

Ông Jean Turcotte là một du khách nước ngoài hiếm hoi tại Văn Miếu trong lễ khai mạc. Ông là một nhà văn người Pháp, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Yêu văn hóa Việt, trong chuyến du lịch ra Hà Nội lần này, ông đã ghé thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

“Tôi đã ngắm nhìn các bức thư pháp tại đây và chụp rất nhiều ảnh, dù không hiểu gì về nội dung và tôi biết nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng không hiểu, nhưng tôi thấy chúng rất đẹp, đường nét của các bức thư pháp rất ấn tượng và đầy tính nghệ thuật,” ông nói.

Sự kiện triển lãm và liên hoan thư pháp sẽ kéo dài đến hết ngày 10/10/2020./.

Khai mạc liên hoan thư pháp lấy cảm hứng từ thơ văn trong vốn cổ ảnh 2Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục