Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4

Ngày hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung.
Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4 ảnh 1Chương trình nghệ thuật diễn ra tại Lễ khai mạc có chủ đề Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ. (Nguồn: Cổng thông tin Điện tử Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định)

Tối 8/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc Ngày hội Văn hóa các Dân tộc miền Trung lần thứ tư năm 2023.

Ngày hội thu hút sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đến từ 11 tỉnh miền Trung.

Phát biểu chào mừng Ngày hội, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nêu rõ Bình Định là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em với 39 dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó chủ yếu là ba dân tộc: Bana Kriêm, Chăm Hroi, Hrê.

[Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần IV ở Bình Định]

Ngày hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

“Ngày hội còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Bình Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của quê hương và con người Bình Định với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững,” Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa.

Cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa.

Quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú. Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đồ sộ với 5 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 6 Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 49 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia, 176 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tại các vùng miền trên cả nước, trải qua 3 lần tổ chức, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung.

Thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Ngày hội Văn hóa các Dân tộc miền Trung lần thứ 4 năm 2023 có chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung; Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển."

Cùng với phần lễ, Ngày hội sẽ có các hoạt động văn hóa đáng chú ý như: Liên hoan Văn nghệ Quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương; trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; hoạt động du lịch...

Ngày hội diễn ra trong ba ngày 8-10/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục