Khai mạc triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến"

Chiều 1/11 tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã khai mạc Triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến - sống mãi với thời gian".
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 65 năm ngày thành lập Tổng cục Chính trị (22/12/1944 -22/12/2009), chiều 1/11 tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã khai mạc Triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến - sống mãi với thời gian". Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã đến dự triển lãm.

Triển lãm giới thiệu 450/5.300 kỷ vật được tiếp nhận từ Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến" do Tổng cục Chính trị phối hợp với Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động từ ngày 14/2/2009 (dự kiến tiến hành trong 3 năm và có thể kéo dài).

Cuộc vận động đã được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm; đặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư hoan nghênh, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước ủng hộ.

Triển lãm gồm nhiều gian như trưng bày kỷ vật kháng chiến chống pháp (1944-1954); kỷ vật kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); kỷ vật của bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn; kỷ vật của Bộ đội Hải quân; kỷ vật của Bộ đội Không quân, sưu tập các loại cạm bẫy, chông, mìn (các loại vũ khí phối hợp).

Nhiều kỷ vật đã được giới thiệu tại Triển lãm như mũ bay của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát sử dụng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ từ 1969 - 1972; Bức ảnh Bác Hồ và lời thề giữ chốt viết bằng máu của ông Lê Bá Dương...

Triển lãm góp phần giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, tôn vinh những đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; động viên cựu chiến binh, nhân dân hiến tặng kỷ vật và tham gia cuộc thi viết về kỷ vật kháng chiến.

Cũng tại Triển lãm, Ban Tổ chức biểu dương nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu đã tuyên truyền, tài trợ, hiến tặng kỷ vật cho Cuộc vận động. Trong đó, đơn vị tặng nhiều kỷ vật kháng chiến nhất là Bộ Tư lệnh Hải quân, Nhà máy Z117 Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng với trên 200 kỷ vật.

Người tặng nhiều kỷ vật kháng chiến nhất là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tá, Phó Giáo sư, Bác sĩ Vũ Quang Bích, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103; Đại tá, Bác sỹ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Lưu.

Người nước ngoài tặng nhiều kỷ vật nhất là ông Prunier, cựu chiến binh Mỹ, thành viên Nhóm Con Nai đã đến Việt Nam giúp Bác Hồ xây dựng lực lượng kháng chiến tháng 7/1945 tại Tân Trào, Tuyên Quang với 200 kỷ vật, hình ảnh và tài liệu.

Kỷ vật kháng chiến xúc động nhất là những kỷ vật lấy từ bàn thờ Liệt sỹ Phùng Chí Kiên tại quê nhà (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông là người chỉ huy đội Cứu Quốc quân, hy sinh năm 1941 tại Bắc Kạn; Lá thư của Anh hùng, Bác sỹ Đặng Thùy Trâm gửi người yêu là Khương Thế Hưng và thư của Khương Thế Hưng gửi đồng đội.

Kỷ vật có giá trị lịch sử văn hóa là 10 thanh kiếm Chăm cổ, chiếc biđông 5 lít và chiếc ănggô của Đại tướng Hoàng Văn Thái đã sử dụng tại chiến trường miền Nam năm 1972; 101 tờ tiền của Việt Nam và nước ngoài phát hành từ năm 1945-1985, do ông Dương Phú Hiến và bà Phan Thị Loan ở 380 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội hiến tặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục