Khai thác cát trái phép ở Hải Dương gây sạt lở đất canh tác

Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Nam Sách (Hải Dương) diễn biến phức tạp, gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông, đe dọa đến công trình đê điều, làm mất đất sản xuất khu vực bãi sông...
Khai thác cát trái phép ở Hải Dương gây sạt lở đất canh tác ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương cho biết thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Nam Sách (Hải Dương) diễn biến phức tạp, gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông, đe dọa đến công trình đê điều, làm mất đất sản xuất khu vực bãi sông...

Đặc biệt, từ giữa tháng 1/2017 đến nay, tại bãi sông ngoài đê tương ứng từ K19+249 đến K19+367 đê tả sông Thái Bình thuộc xã Minh Tân, tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã xảy ra với chiều dài 108 m ở hạ lưu kè Hùng Thắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình đê điều và có thể làm thay đổi dòng chảy sông Thái Bình.

Cụ thể, đoạn sạt 1 từ K19+249 đến K19+314 đê tả sông Thái Bình, điểm đầu cung sạt cách đuôi kè Hùng Thắng 39m về hạ lưu, cung sạt lấn vào bãi từ 5m đến 8m, chiều dài 65m, khoảng cách gần nhất từ đỉnh cung sạt đến chân đê phía sông 27m, điểm sâu nhất gần bờ có cao độ xấp xỉ -9,5m, cao trình bãi sông khoảng +3,8m.

Đoạn sạt 2 từ K19+324 đến K19+367 đê tả sông Thái Bình, với chiều dài 43m và lấn sâu vào bãi từ 5,5m đến 10m, điểm gần nhất cung sạt cách chân đê 22m, điểm sâu nhất gần bờ có cao độ xấp xỉ -10m, cung sạt tụt tạo vách đất thẳng đứng.

Hiện tại, phía trên bãi gần sát mép bờ lở của 2 vị trí trên có nhiều vết nứt và đang tiếp tục sạt lở mạnh, lấn sâu vào gần đê (vị trí sạt lở này nằm trong khu vực đã xảy ra tập đoàn mạch đùn, mạch sủi khi xuất hiện lũ từ báo động 2 trở lên).

Theo ông Đặng Văn Mệnh, Trưởng thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, trước đây khu vực bãi soi kéo dài từ chân đê ra đến sông dài khoảng từ 50m đến 250m, nhưng nay, khu vực này đã sạt lở chỉ còn khoảng 20m đến 100m.

Tại khu vực này, trong một khoảng thời gian dài, cứ khoảng 19 giờ đến 23 giờ hoặc 3 đến 4 giờ hằng ngày, luôn có tàu ngang nhiên đến hút cát, bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản của người dân.

Ông Mệnh chia sẻ nhà của ông từ đầu năm 2016 đến nay đã bị sạt lở hơn một mẫu đất canh tác.

Ở khu vực bãi soi này, mỗi sào canh tác một vụ càrốt, một vụ ngô cũng đem lại thu nhập trên 10 triệu đồng/năm. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở xuống sông đã gây thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi năm cho mỗi gia đình có đất canh tác ở ngoài bãi sông.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Tân cho biết xã đã phối hợp với lực lượng liên ngành nhiều lần đi bắt tàu cát nhưng do thiếu trang thiết bị và nhân lực nên không bắt được "cát tặc" hoặc nếu cán bộ xã có lên được tàu khai thác cát thì các đối tượng nổ máy bỏ chạy sang địa bàn khác.

Thậm chí, các đối tượng khai thác cát trái phép khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, còn sử dụng dao, kiếm đe dọa. Đến nay, riêng trên địa bàn xã Minh Tân, hàng chục ha đất canh tác đã bị sạt lở xuống sông.

Huyện Nam Sách đã chỉ đạo xã Minh Tân phối hợp với Hạt quản lý đê điều huyện Nam Sách lập chốt và cử người canh gác ngay tại khu vực sạt lở để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra và ngăn chặn tàu đến khai thác cát. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tình thế để tạm thời đối phó với nạn khai thác cát trái phép ở địa phương.

Không chỉ riêng Minh Tân, hiện nay trên địa bàn huyện Nam Sách, hàng chục ha đất canh tác nông nghiệp màu mỡ ở một số xã như Thái Tân, Hiệp Cát, Nam Hưng cũng đã bị sạt lở xuống sông bởi nạn khai thác cát trái phép.

Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, chỉ trong thời gian ngắn nữa đất canh tác của người dân sẽ mất trắng. Nguy hiểm hơn, đê Thái Bình - con đê cấp 1 trọng yếu, bảo vệ cho hàng nghìn hộ dân cũng đứng trước nguy cơ sạt lở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục