Tối 19/9, tại Đồng Mô, Sơn Tây, thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã long trọng tổ chức lễ khai trương Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại sứ và đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã tới dự buổi lễ.
Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với tổng diện tích 1.544ha, bao gồm các khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô và khu quản lý điều hành, văn phòng .
Đến nay, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã kết thúc giai đoạn I, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và đưa vào hoạt động một phần khu các làng dân tộc để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo kế hoạch đã phê duyệt, đến năm 2015, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đưa vào vận hành và khai thác.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em Việt Nam đã gắn bó keo sơn, đoàn kết một lòng, chung một khát vọng độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc, đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, cống hiến to lớn về sức người, sức của, máu xương cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thủ tướng khẳng định, trong suốt chặng đường lịch sử đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang ấy, các thế hệ cộng đồng 54 dân tộc anh em đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, hội tụ, hòa quyện và tỏa sáng những phẩm chất, tinh hoa văn hóa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Những thành tựu này đã góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, nghệ thuật mà còn là một Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và văn hóa nổi tiếng, cả thế giới biết đến và công nhận.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Các cơ chế chính sách và giải pháp phát triển văn hóa ngày càng hoàn thiện, phù hợp với đặc thù của các vùng, miền, các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020. Việc phê duyệt quy hoạch tổng thể và đầu tư xây dựng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là một việc làm thiết thực, biểu hiện sinh động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung và sự nghiệp phát triển văn hóa nói riêng, đặc biệt là sự hợp tác giúp đỡ của UNESCO./.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại sứ và đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã tới dự buổi lễ.
Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với tổng diện tích 1.544ha, bao gồm các khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô và khu quản lý điều hành, văn phòng .
Đến nay, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã kết thúc giai đoạn I, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và đưa vào hoạt động một phần khu các làng dân tộc để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo kế hoạch đã phê duyệt, đến năm 2015, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đưa vào vận hành và khai thác.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em Việt Nam đã gắn bó keo sơn, đoàn kết một lòng, chung một khát vọng độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc, đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, cống hiến to lớn về sức người, sức của, máu xương cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thủ tướng khẳng định, trong suốt chặng đường lịch sử đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang ấy, các thế hệ cộng đồng 54 dân tộc anh em đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, hội tụ, hòa quyện và tỏa sáng những phẩm chất, tinh hoa văn hóa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Những thành tựu này đã góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, nghệ thuật mà còn là một Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và văn hóa nổi tiếng, cả thế giới biết đến và công nhận.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Các cơ chế chính sách và giải pháp phát triển văn hóa ngày càng hoàn thiện, phù hợp với đặc thù của các vùng, miền, các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020. Việc phê duyệt quy hoạch tổng thể và đầu tư xây dựng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là một việc làm thiết thực, biểu hiện sinh động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung và sự nghiệp phát triển văn hóa nói riêng, đặc biệt là sự hợp tác giúp đỡ của UNESCO./.
Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)