Theo thông tin từ Nhà xuất bản Tri thức, bản dịch cuốn sách “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” của giáo sư người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận sẽ được ra mắt độc giả Thủ đô vào ngày 7/12, tại Hà Nội. Với dung lượng gần 800 trang, “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” là cuốn sách dành cho những người muốn khám phá bầu trời và các vì sao, nhưng không nhất thiết phải có hành trang khoa học của một chuyên gia. Cuốn từ điển trước hết chứa các mục từ mô tả thế giới lạ lùng và kỳ diệu của vật lý thiên văn như: các sao lùn trắng, các pulsar, các "lỗ đen," và đề cập tới nguồn gốc của nhân loại, về thiên sử thi hùng tráng của vũ trụ… Các mục từ được biên soạn bằng ngôn ngữ rõ ràng, đơn giản, giàu hình ảnh ẩn dụ nhưng không vì thế mà mất đi tính chính xác và khoa học. Qua cuốn sách “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao,” độc gải sẽ được khám phá vũ trụ với ánh sáng hóa thạch, ánh sáng khuếch tán của vũ trụ, bức tường vận tốc ánh sáng, bức xạ hóa thạch, các loại thiên hà, cái chết của proton, đám sao cầu, đám thiên hà… Cùng với việc ra mắt cuốn sách là chuyến làm việc dài hơn 20 ngày của tác giả cùng Nhà xuất bản Tri thức với nhiều trường đại học uy tín như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quy Nhơn, Đại học Hoa Sen, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… Chuyến làm việc mang chủ đề xuyên suốt là “Con người ở đâu trong vũ trụ.” Cuốn sách và chuyến làm việc của giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhằm đem đến cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ, cái nhìn gần gũi hơn về thiên văn học cũng như những suy nghĩ về bản thân mình trước thế giới và vũ trụ rộng lớn. Chuỗi sự kiện do Nhà Xuất bản Tri thức phối hợp với Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức./.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như “Giai điệu bí ẩn” (1988), “Big Bang và sau đó” (1992), “Hỗn độn và hài hòa” (1998)... Năm 2007, ông vinh dự được Viện Hàn lâm Pháp trao tặng giải thưởng lớn Moron. Năm 2009, ông nhận giải Kalinga của UNESCO về phổ biến kiến thức khoa học. |
Thiên Linh (Vietnam+)