Khám phá Di sản Văn hóa Phi vật thể nghề chằm nón ngựa Phú Gia ở Bình Định

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 40km về hướng Bắc, làng nghề Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, hiện có khoảng 300 hộ theo nghề làm nón ngựa.

Làng nghề Phú Gia hiện có khoảng 300 hộ theo nghề làm nón ngựa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Làng nghề Phú Gia hiện có khoảng 300 hộ theo nghề làm nón ngựa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia là nghề thủ công truyền thống được người dân thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, gìn giữ gần 300 năm qua.

Mới đây, ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành quyết định đưa nghề thủ công truyền thống - nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 40km về hướng Bắc, làng nghề Phú Gia hiện có khoảng 300 hộ theo nghề làm nón ngựa.

Nón ngựa Phú Gia là sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân xứ Nẫu. Sản phẩm được gọi là nón ngựa đơn giản chỉ vì nó dùng để đội khi cưỡi ngựa.

Ngày xưa, nón ngựa được làm ra chủ yếu để phục vụ cho vua, quan. Các họa tiết thêu trên mỗi chiếc nón cũng khác nhau, tương ứng với chức vụ, phẩm hàm của người đội nón.

Nón ngựa Phú Gia rất bền chắc bởi được kết từ 10 lớp lá. Loại lá dùng làm nón ngựa là lá kè (lá cọ) mọc ngoài tự nhiên, ống giang và rễ dứa.

Theo những người làm nón lâu năm, lá kè sử dụng làm nón không được quá già hoặc quá non, phải đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết. Trong khi đó, rễ dứa phải là loại rễ đã nằm trong lòng đất 2-3 năm, có độ bền chắc, đàn hồi tốt.

ttxvn_non ngua phu gia 2.jpg
Sản xuất nón ngựa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Để làm nên một chiếc nón ngựa, các nghệ nhân phải tỉ mỉ thực hiện nhiều công đoạn. Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the... cũng đều được các nghệ nhân tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi bắt tay thực hiện 20 công đoạn làm nón ngựa, trong đó 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.

Ở công đoạn tạo sườn mê, rễ cây giang lấy từ trên núi được đem phơi khô, chẻ thành những sợi nhỏ mỏng như sợi cước. Cách thức đan nang theo kiểu đan giỏ, các lỗ nang có hình lục giác, tạo thành một miếng mê lớn.

Ở công đoạn thắt nang sườn, người thợ đặt miếng mê lên khuôn nón mẫu, khâu vành nang dưới cùng để tạo sườn hình nón. Tiếp đến là khâu sườn đứng và sườn ngang bằng các sợi giang có kích cỡ như sợi tăm. Hai công đoạn làm sườn nón này phải do những người thợ chuyên nghiệp thực hiện.

Tiếp đến là công đoạn thêu hoa văn trên sườn. Ngày xưa, với những người có chức sắc khác nhau thì các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau, trông vào đó, người ta có thể biết được phẩm hàm của từng quan lại trong địa phương. Nón được thêu hoa văn long lân quy phụng, lưỡng long tranh châu, mai, lan, cúc, trúc, bài thơ, câu đối hoặc những cảnh vật, hoa lá… Cũng chính nhờ có những mẫu họa tiết này mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa có nét cao sang quý phái, vừa được sự trang nhã, mềm mại.

Công đoạn cuối cùng là lợp lá chằm chỉ. Lá kè tươi được hái về từ vùng núi Vĩnh Thạnh, Gia Lai sẽ được xử lý công phu, tước bỏ sống lá, phơi khô trong bóng râm, đặt trên chậu lửa và lồng tre để xông lá cho chín, sau đem ra ngoài trời phơi sương, hơ lửa để vuốt cho lá được thẳng, phẳng.

Người thợ dùng kéo chuyên dụng có bản mỏng, lưỡi dài để cắt lá thành từng miếng nhỏ theo chiều cao nón. Người thợ xếp chồng mép lá xòe đều xung quanh sườn nón từ đỉnh xuống. Thợ chằm (khâu) lá vào sườn nón, nhìn bên ngoài không thấy đường chằm. Chằm xong, người thợ cắt bỏ những sợi chỉ thừa dính trên bề mặt nón và không quên trang trí một đùm chỉ ngũ sắc ở đỉnh nón.

non ngua phu gia.jpg
Nón ngựa được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua khi đến với đất võ Bình Định. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Bình Định)

Sản phẩm nón ngựa Phú Gia mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Ở Phú Gia thời trước, ngày cưới, nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội nón đi ngựa còn nhà nghèo cũng cố sắm vài đôi nón ngựa cho cô dâu, chú rể đội trong ngày trọng đại này.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ngoài thôn Phú Gia, những thôn lân cận của xã Cát Tường, như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm các công đoạn liên quan đến nghề chằm nón.

Hiện nay, ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, các nghệ nhân còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua khi đến với đất võ Bình Định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục