Về Hải Dương khám phá nghề in khắc gỗ 500 năm tuổi ở làng Thanh Liễu

Từng là trung tâm khắc in bản mộc của cả nước, kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, trải qua hàng trăm năm, nghề in khắc gỗ mộc bản làng Thanh Liễu đã lưu giữ, in hàng nghìn bộ kinh sách, con dấu.

Bản khắc mộc bản kinh Phật được các nghệ nhân lưu giữ hàng trăm năm. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)
Bản khắc mộc bản kinh Phật được các nghệ nhân lưu giữ hàng trăm năm. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Tại Lễ hội truyền thống miếu Thanh Liễu diễn ra hồi cuối tháng 2 vừa qua ở khu dân cư Thanh Liễu, phường Tân Hưng (Thành phố Hải Dương), nhiều du khách đã rất thích thú khi được nghe giới thiệu và tổ chức trải nghiệm nghề khắc in mộc bản - nghề truyền thống 500 năm tuổi nơi đây.

Không gian trưng bày đậm màu sắc truyền thống, với các mộc bản do các nghệ nhân làng Thanh Liễu khắc in trên các bộ kinh sách cổ từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20, các bộ ấn triện tâm linh, bộ đồ nghề cổ… của các nghệ nhân làng nghề cùng danh sách gần 100 nghệ nhân khắc in mộc bản của làng Thanh Liễu, đã khắc hoạ cái nhìn rõ nét về nghề khắc in mộc bản có từ lâu đời ở phường Tân Hưng.

2902khacgo.jpg
Nhiều người thích thú khi được trải nghiệm in tranh mộc bản. (Nguồn: Báo Hải Dương)

Cuốn "Dư địa chí thành phố Hải Dương" ghi lại: Ông tổ nghề in khắc gỗ ở Thanh Liễu là Thám hoa Lương Như Hộc, sinh năm Canh Tý 1420, tại làng Hồng Lục thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân (nay là phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương).

Sau hai lần đi sứ Trung Quốc trở về, thám hoa Lương Như Hộc đã đem nghề in mộc bản truyền dạy cho người dân tại ba làng Thanh Liễu, Liễu Tràng và Khuê Liễu.

Một số tư liệu về làng nghề Việt Nam cho biết từ hai học trò đầu tiên do Lương Như Hộc chọn truyền nghề là Phạm Niên (Phạm Trên) và Phạm Đới (Phạm Dưới), nghề khắc ván in không chỉ hình thành ở Hồng Lục và Liễu Tràng, mà còn lan sang thôn Khuê Liễu.

Ba làng tạo thành trung tâm khắc in bản mộc của cả nước, kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Thời ấy, đàn ông khỏe mạnh thì xẻ gỗ, khắc mộc bản, phụ nữ và trẻ em thì ngồi in, xén cắt giấy.

Nghề khắc ván in sách đã đem lại cuộc sống khá giả cho cả ba làng nên thời đó có câu:

“Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng
Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn”

Trong “Hải Dương phong vật khúc,” khi viết về nghề in ấn ở Hồng Lục-Liễu Tràng, có câu:

“Phường Hồng Lục, Liễu Tràng khắc chữ
Bản bộ kinh, bộ sử rành rành”

Theo nhiều nghệ nhân của các làng, làm mộc bản người thợ phải cẩn thận từng khâu, từ chọn gỗ đến khắc chữ, hòa mực, lăn mực đến in trên giấy để được bản in đẹp, sinh động nhất. Gỗ được chọn phải mềm như gỗ thừng mực, gỗ thị hay gỗ vàng tâm. Gỗ lấy về phải trải qua nhiều công đoạn như xẻ gỗ, phơi gỗ khi nào đủ tiêu chuẩn mới có thể khắc chữ nổi lên trên để thành một bản in hoàn chỉnh.

Giấy in phải chọn loại giấy dó, giấy xuyến mới đảm bảo chất lượng của bản in. Sau đó, bản in được lăn bằng mực Tàu, dán giấy lên rồi lăn nhẹ đều tay, để một vài phút cho khô mực, mới có bản in hoàn chỉnh. Mỗi một công đoạn, người thợ phải làm cẩn thận, từng bước theo quy trình thì bản in vừa rõ nét, không bị phai, nhòe.

Trung bình mỗi bản khắc gỗ một nghệ nhân phải mất 3-5 ngày mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên nhiều bản khắc gỗ phải mất vài tháng tùy vào độ dài ngắn, câu chữ và chủ đề mà người đặt hàng yêu cầu. Nhiều bản khắc gỗ, con chữ chỉ bé bằng hạt gạo nếu người thợ không được học bài bản, khó có thể khắc được hoàn chỉnh.

Muốn làm nghề khắc ván in phải học việc trung bình ba năm. Người thợ khắc ván in phải thuộc chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược, vì bản khắc chữ ngược khi in mới được chữ xuôi. Nghề khắc ván in phần lớn được kế thừa theo gia truyền, dòng họ.

Để khắc được kinh sách phải là thợ giỏi. Cuối thời Nguyễn, ở hai làng Liễu Tràng, Thanh Liễu có hàng trăm thợ khắc nhưng chỉ khoảng 20 người đủ trình độ khắc kinh sách. Những thợ giỏi này sau khi hoàn thành một công trình in ấn được nhà nước phong kiến hậu đãi và phong hàm cửu phẩm.

TTXVN_2902mocbanHaiDuong2.jpg
Anh Nguyễn Công Đạt, làng Thanh Liễu khắc bản gỗ với tích rùa thần nhận gươm báu ở Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Trải qua hàng trăm năm, nghề in khắc gỗ mộc bản làng Thanh Liễu đã lưu giữ, in hàng nghìn bộ kinh sách, con dấu. Nhiều bản khắc gỗ vẫn còn lưu giữ đến ngày nay như bản khắc của bộ Hải thượng Y tôn tâm lĩnh của Lê Hữu Trác đang lưu tại chùa Đại Tráng (Bắc Ninh), hàng trăm bản in kinh Phật lưu giữ tại chùa An Bình (Hải Dương). Bộ mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam năm 2009 cũng có sự góp công không nhỏ của người thợ khắc mộc bản nơi đây.

Người làng đã đi mưu sinh và tạo nên nghề in khắc mộc bản ở nhiều vùng trong cả nước. Những hiệu khắc in sách ở phố Hàng Trống, Hàng Gai (Hà Nội) phần lớn là của người làng Thanh Liễu, Liễu Tràng và Khuê Liễu ngày xưa.

Đầu thế kỷ 20, nghệ nhân làng Liễu Tràng đã tham gia khắc in bộ tranh dân gian “Kỹ thuật của người An Nam” gồm 4.577 bức - do tác giả Henri Oger, một người Pháp sưu tập.

Trước năm 1940, nghề in khắc mộc bản ở Thanh Liễu, Liễu Tràng và Khuê Liễu rất phát triển, hầu như các gia đình đều làm nghề. Người làng tới các chùa chiền, nhà xuất bản nhận kinh, sách về làm tại nhà, từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng nghe thấy tiếng gõ đục.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề in khắc mộc bản ở Thanh Liễu hiện cũng đối mặt với nguy cơ bị mai một khi chỉ còn vài hộ gia đình gắn bó với nghề truyền thống này. Với kỹ thuật hiện đại ngày nay, nhiều người chỉ cần biết một chút kỹ thuật trên máy tính là có thể có bản in hoàn chỉnh. Vì vậy, nghề khắc gỗ mộc bản rất khó cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Dân, Bí thư Đảng ủy phường Tân Hưng, để bảo tồn nghề in mộc bản truyền thống Thanh Liễu, phường đang phối hợp với các cơ quan chức năng lập đề án để công nhận làng nghề.

Chính quyền địa phương phối hợp với nghệ nhân trong và ngoài làng sưu tầm các bản in của các nghệ nhân làm nghề từ xưa tới nay để truyền dạy kỹ thuật in mộc bản cho các thế hệ trẻ kế cận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục