Khám phá nét độc đáo trong nghề chạm khắc bạc của người Mông

Với người Mông, chỉ khi sử dụng bạc đảm bảo chất lượng, các món đồ trang sức mới phát huy đươc hết giá trị của nó như một món đồ trang sức, một tấm bùa bảo vệ sức khỏe hạnh phúc hay trừ tà ma...
Khám phá nét độc đáo trong nghề chạm khắc bạc của người Mông ảnh 1Nghệ nhân chạm khắc bạc. (Nguồn: Laocaitourism.vn)

Đã từ rất lâu, trang sức bạc được coi như một thứ bùa hộ mệnh trong cuộc sống tâm linh của người Mông.

Theo quan niệm của người Mông, bạc có chức năng bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của con người và liên quan đến nhiều nghi lễ tâm linh.

Ý nghĩa của từng sản phẩm

Việc chạm khắc bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và tính thẩm mỹ cao. Để tạo ra một sản phẩm trang sức bằng bạc, nghệ nhân Mông phải thực hiện qua nhiều công đoạn cầu kỳ để tạo ra sản phẩm mang nét đặc trưng, được cộng đồng ưa chuộng.

Bộ công cụ chế tác bạc của người Mông gồm: bễ thổi, lò nung, nồi nấu bạc, khuôn đúc, búa đập (gồm 4 loại búa: búa sừng trâu, búa quai tay, búa nhỡ và búa con); kìm sắt có 3 loại (loại dài dùng để chọc than, gắp nồi nấu bạc hoặc điều chỉnh vị trí nồi trong lò nung trong quá trình nấu bạc; loại ngắn hơn dùng chủ yếu để gắp sản phẩm trong quá trình tôi cũng như chế tác khi bạc còn nóng; loại kìm nhỏ dùng để cặp bạc trong quá trình gia công chế tác trên đe nhằm tạo hình, tạo dáng cho sản phẩm lần cuối). Các loại kìm này đều có đặc điểm chung là có mỏ dài, hơi cong, cán gỗ.

Đe là công cụ chịu lực mạnh, dùng để kê trong quá trình tạo hình cho sản phẩm. Bộ đục chạm hoa văn: gồm 4 loại được làm bằng đinh sắt có hình dáng, kích thước, chức năng sử dụng khác nhau.

Trước đây, nguyên liệu bạc dùng để chế tác sản phẩm bạc thường là các đồng bạc Đông Dương (hoa xòe), được tích trữ từ đời này qua đời khác, trong các gia đình người Mông, cũng như các dân tộc vùng cao khác. Ngày nay, loại bạc này rất hiếm và có giá trị cao về kinh tế. Khi cần dùng đến bạc, nếu gia đình nào không có bạc tích trữ thì họ tìm mua hoặc trao đổi bằng gia súc với các gia đình khác trong cộng đồng.

Để chế tác ra các sản phẩm bạc có giá trị, đáp ứng được nhu cầu người dùng, các nghệ nhân phải có kinh nghiệm chọn và phân biệt nguyên liệu. Nếu dùng phải bạc tạp chất thì trong quá trình chế tác, bạc thường bị vỡ vụn, không có độ trắng tinh khiết, theo đó, giá thành sản phẩm không cao, không phát huy được tính năng của bạc khi sử dụng (trang sức, bảo vệ sức khỏe, trừ tà ma...).

Người làm nghề chạm khắc bạc phải có tính kiên trì, cần cù và sáng tạo, vì quy trình chế tác sản phẩm bạc phải qua nhiều khâu đoạn cầu kỳ, phức tạp: đốt lò để nung bạc; nung bạc; đổ khuôn; chế tác hình dạng bạc trên đe; chạm khắc hoa văn; tu sửa, đánh bóng sản phẩm.

Các sản phẩm được tạo ra từ nghề chạm khắc bạc thường mang tính sáng tạo, thẩm mỹ cao, bao gồm: vòng cổ, vòng tay... Vòng tay có hai loại: vòng bản dẹt và loại vòng có tiết diện tròn. Trên mặt vòng khắc hình hoa lá, hình con bướm… theo lối tả thực.

[Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc là vấn đề cấp thiết]

Trong khi đó, vòng vía là loại vòng được chế tác riêng, dùng để đeo cho trẻ em và người lớn khi bị ốm, gồm ba loại: vòng chân, vòng cổ và vòng tay. Vòng vía thường được thiết kế một chiếc khóa móc ở quãng hở, khi đeo xong, thầy cúng cài khóa lại coi như giữ không cho vía rơi ra ngoài, không cho tà ma xâm phạm cơ thể.

Vòng tai (khuyên tai), xược cài tóc là loại trang sức dành riêng cho phụ nữ. Nhẫn ngón tay gồm 2 loại: tiết diện tròn và dẹt. Đeo nhẫn có tiết diện tròn là dấu hiệu của những người còn độc thân (trai chưa vợ, gái chưa chồng) hoặc đã góa vợ/chồng và đang có ý định tái giá.

Người Mông quan niệm, vạn vật đều có linh hồn và bếp cũng có thần bếp cai quản. Do vậy, trong quá trình hành nghề các nghệ nhân đã tiến hành một số nghi lễ cúng để hành nghề suôn sẻ, không bị tai nạn rủi ro; sản phẩm không bị cháy, bị hỏng...

Nghề chạm bạc của người Mông ở Sa Pa, Đồng Văn

Nghề chạm khắc bạc thể hiện sự phát triển về kỹ thuật và nghệ thuật kim hoàn của người Mông ở Sa Pa, góp phần phục vụ thiết thực cho đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng nơi đây. Cho đến nay, các sản phẩm chạm khắc bạc vẫn giữ nguyên được giá trị và vị trí không thể thay thế trong đời sống của người Mông ở Sa Pa.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, tiêu biểu, Nghề thủ công truyền thống Chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2013.

Để tạo ra các sản phẩm đẹp và đảm bảo, những nghệ nhân chạm khắc bạc truyền thống ở Sa Pa từ xưa đến nay chỉ sử dụng bạc nguyên chất.

Ngày nay, ngày càng có nhiều khách du lịch phương xa đến với mảnh đất Sa Pa và thích thú với những mặt hàng lưu niệm truyền thống. Những nghệ nhân chạm khắc bạc người Mông càng tâm huyết với nghề hơn. Họ khéo léo tạo ra các mẫu mã, kiểu dáng mới để đáp ứng thị hiếu đa dạng của du khách.

Với mong muốn quảng bá nét đẹp, giá trị của nghề truyền thống dân tộc mình, những nghệ nhân như dồn hết sự say mê và tâm huyết của mình vào các sản phẩm trang sức. Du khách cũng rất hài lòng và yên tâm khi lựa chọn các sản phẩm trang sức bạc được chế tác thủ công bởi những đôi bàn tay nghệ nhân tài hoa.

Khám phá nét độc đáo trong nghề chạm khắc bạc của người Mông ảnh 2Trang sức bạc của người Mông. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Trong khi đó, bản Lao Xa, xã Sủng Là lại là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Tại Đồng Văn, ai cũng biết bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Vùng đất này tạo ra những sản phẩm chạm bạc nức tiếng trong vùng. Đã từ rất lâu, mỗi khi muốn đặt một món trang sức bằng bạc ưng ý, người dân địa phương, không chỉ riêng người Mông đều lên đường đến Lao Xa.

Nghề chạm bạc ở Lao Xa được các thế hệ trong nhiều gia đình giữ gìn, tiếp nối qua nhiều đời.

Các sản phẩm chạm bạc mang tính sáng tạo, thẩm mỹ cao được tạo ra ở Lao Xa có quy trình chế tác gồm rất nhiều công đoạn. Từ nung bạc, đổ khuôn, chế tác hình dạng trên đe, rồi mới được chạm khắc hoa văn, đánh bóng. Để làm chạm khắc bạc đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tỉ mỉ. Hơn nữa, người thợ chạm bạc cũng phải kiên trì, cần cù, phần đấu rất nhiều năm để đạt đến kỹ thuật tinh hoa của nghề bạc thôn Lao Xa.

Các trang sức chạm bạc được làm ra từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân người Mông ở Lao Xa rất độc đáo, mang trên mình những họa tiết sinh động, đặc sắc, hút mắt người nhìn. Đồ trang sức bạc ở đây không chỉ tinh tế, mà còn phong phú về chủng loại như nhẫn, lắc tay, lắc chân, vòng cổ…

Cùng với trang phục, những sản phẩm chạm bạc từ Lao Xa đã tô điểm, tôn thêm vẻ đẹp đầy sắc màu của đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục