Ngày 29/8, Ban Cơ yếu Chính phủ công bố chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024” tôn vinh những chiến công lặng thầm mà vẻ vang của ngành cơ yếu Việt Nam qua lời kể của các nhân chứng lịch sử.
Theo đó, chương trình sẽ diễn ra vào 20h10, ngày 6/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng, tiếp sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức chương trình, đây là một sự kiện văn hóa đặc sắc, mang ý nghĩa lịch sử, góp phần tôn vinh những thành tựu và cống hiến của ngành cơ yếu Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam và phong trào quốc phòng toàn dân.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng cho hay vì đặc thù của nhiệm vụ cơ mật trọng yếu cho nên ngay cả những chiến công của ngành cơ yếu dường như cũng được “mã hóa” và hiếm được vinh danh. Đây có lẽ là chương trình nghệ thuật đầu tiên về ngành cơ yếu.
“Bên cạnh việc tôn vinh những thành tựu và cống hiến của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành cơ yếu qua các thời kỳ, chương trình còn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ngành cơ yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế, với những thách thức mới về an ninh mạng, an toàn thông tin,” Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng cho biết.
Chương trình được chia làm 3 chương: Sứ mệnh lịch sử, Những chiến công thầm lặng, Hành trình vinh quang.
Hoạt cảnh thơ múa “Vinh quang thầm lặng 2024” với phần thể hiện lời bình của Nghệ sỹ Nhân dân Lê Chức sẽ tái hiện tầm vóc của hành trình 79 năm hình thành, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành cơ yếu từ năm 1945, trải qua những dấu mốc quan trọng của đất nước.
Phóng sự “Những bức điện mật lịch sử” với phần thể hiện lời bình của MC, ca sỹ Nguyễn Hữu Chiến Thắng sẽ tái hiện vai trò quan trọng của công tác mật mã trong thắng lợi của các chiến dịch quân sự lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch Biên giới phía Bắc...
Phần âm nhạc gồm những ca khúc sống mãi với thời gian như: “Một đời người một rừng cây” (Trần Long Ẩn), “Linh thiêng Việt Nam” (Lê Quang), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Khát vọng” (Phạm Minh Tuấn)…
Đặc biệt, chương trình có hai ca khúc do chính người trong ngành sáng tác: “Hành khúc Cơ yếu Việt Nam” (thơ: Nguyên Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Văn Duy; nhạc: An Thuyên) và “Vinh quang thầm lặng” (thơ: Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; nhạc: Bùi Hoàng Uyên Minh).
Chương trình có sự góp mặt của các ca sỹ: Tùng Dương, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Ngọc Anh, Ngọc Ký, Viết Danh, Minh Đức, Lê Anh, Lê Trang...
Chương trình do Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo nội dung; Tạp chí An toàn Thông tin chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội và Oscar Media thực hiện; cố vấn nghệ thuật: Nghệ sỹ Nhân dân Lê Chức; Tổng đạo diễn: Mai Thanh Tùng./.
Chương trình chính luận-nghệ thuật đặc biệt 'Muôn vàn tình thương yêu'
Ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự - tiền thân của ngành cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến, đã có hàng triệu bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được lực lượng cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật và kịp thời, phục vụ thắng lợi nhiều chiến dịch lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, toàn ngành cơ yếu Việt Nam có gần 1.000 liệt sỹ, trong đó, nhiều tấm gương đã hy sinh anh dũng để bảo đảm an toàn tuyệt đối tài liệu, kỹ thuật mật mã không để rơi vào tay kẻ thù.