Đến thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, ấn tượng đầu tiên của du khách là bản làng thanh bình nằm trong tổng thể bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Ngay khi bước vào bản, du khách bắt gặp gian hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu nằm bên cạnh dòng suối Mường Hoa thơ mộng. Đó là ngôi nhà chung của nữ giám đốc Sùng Thị Lan và những phụ nữ người Mông trong bản. Họ đang từng ngày dệt sắc màu quê hương...
Thổ cẩm dệt ước mơ thoát nghèo
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, nơi bản làng còn nhiều khó khăn, vất vả, chị Sùng Thị Lan đã sớm ý thức phải vươn lên thoát nghèo. Nhận thấy quê hương mình có nhiều tiềm năng về du lịch, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống độc đáo, chị Lan ấp ủ kế hoạch phát triển văn hóa dân tộc kết hợp làm kinh tế. Năm 2018, dưới sự hỗ trợ của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp,” chị Lan thành lập hợp tác xã Mường Hoa với mục đích khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và tăng thêm thu nhập cho chị em trong bản.
Chị Lan cho biết: “Tả Van có nghề thủ công độc đáo, lại là điểm du lịch trọng điểm của Sa Pa, thu hút rất đông khách du lịch. Tôi nghĩ nếu có thể duy trì nghề truyền thống của quê hương, quảng bá sản phẩm rộng rãi cho du khách thì mình vừa lưu giữ được văn hóa dân tộc, vừa tạo ra nguồn thu nhập cho bà con.”
Không qua bất cứ trường lớp nào, chị Lan tự tìm tòi, nghiên cứu cách nhuộm vải bằng màu thiên nhiên từ chàm, củ nâu, củ nghệ, lá rừng..., mong muốn vực dậy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Nhiều lần thất bại, chị làm hỏng rất nhiều vải lanh, vải bông, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Qua 8 năm thử thách, nữ giám đốc cũng tìm được công thức pha màu, cách xử lý nguyên liệu tạo màu đẹp tự nhiên, tạo ra họa tiết lạ, hấp dẫn.
Với phương pháp sản xuất truyền thống, các mặt hàng thổ cẩm của hợp tác xã Mường Hoa độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng. Mẫu hoa văn thể hiện văn hóa của người Mông, Giáy xuất hiện nhiều hơn trên các sản phẩm thổ cẩm, màu nhuộm tự nhiên, không hóa chất. Đó là điều mà thổ cẩm may công nghiệp không có được. Chị Lan quan niệm: “Qua đường kim mũi chỉ của người phụ nữ Mông, mỗi hoa văn đều mang theo văn hóa truyền thống, hồn cốt của dân tộc, chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn những sản phẩm được sản xuất đại trà.”
Nối dài sứ mệnh cho thổ cẩm
Khi đã làm chủ kỹ thuật nhuộm vải, dệt vải, nữ giám đốc hợp tác xã lại có ý tưởng “tái chế thổ cẩm” với mong muốn giảm gánh nặng môi trường, giảm giá thành mặt hàng thủ công. Sau khi mua lại sản phẩm thổ cẩm cũ từ người dân địa phương, hợp tác xã Mường Hoa tiến hành nhuộm lại màu, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí,... Ngoài ra, chị tận dụng vật liệu dư thừa trong công đoạn nhuộm vải để sản xuất hương sạch.
Nối tiếp ý tưởng độc đáo đó, tour du lịch trải nghiệm làm đồ thổ cẩm ra đời. Khách du lịch đến với hợp tác xã Mường Hoa được tự tay nhuộm màu cho món đồ theo ý thích của mình. Hoạt động này không chỉ khiến du khách hứng thú với văn hóa của người Mông, người Giáy ở Tả Van mà còn tạo điều kiện kinh doanh hấp dẫn cho người dân bản địa.
Để quảng bá sản phẩm, chị Lan cũng không quản ngại những chặng đường xa, tận tay mang từng mảnh vải, thảo dược của dân tộc mình tới hội chợ, triển lãm, hội thảo khắp cả nước. Qua những chuyến đi đó, vẻ đẹp con người và văn hóa Tả Van được nhiều người biết đến hơn, chị Lan cũng học hỏi thêm mô hình sản xuất mới cho hợp tác xã, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tả Van là nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số như Mông, Giáy nên văn hóa đa dạng, có nhiều tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, tỷ lệ đói nghèo, mù chữ ở đây vẫn còn cao. Những người phụ nữ dân tộc dựa vào nghề thủ công để chăm lo kinh tế gia đình nhưng sản phẩm bán ra manh mún, nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh.
Hiểu được điều đó, chị Lan kêu gọi các chị em phụ nữ trong bản tham gia hợp tác xã Mường Hoa. Nơi đây hiện là mái nhà chung của 9 phụ nữ có gia đình thuộc diện khó khăn (6 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách). Các chị em đều được giám đốc Sùng Thị Lan tận tay hướng dẫn may các mặt hàng thổ cẩm, làm hương thảo mộc theo quy trình sản xuất truyền thống của dân tộc. Cùng sự nỗ lực, gắn kết của các thành viên, hợp tác xã đã tạo ra nhiều mặt hàng mang nét độc đáo riêng, có giá trị cao trên thị trường. Nhờ đó, thu nhập của mọi người ổn định 3-4 triệu đồng/tháng. Theo chính quyền địa phương, hiện nay, các thành viên của hợp tác xã Mường Hoa đều đã vươn lên thoát nghèo. Tín hiệu tích cực đó mang đến hy vọng cho người dân Tả Van về một cuộc sống đủ đầy, ấm no.
Được nhiều người tin tưởng, hợp tác xã Mường Hoa trở thành đại lý phân phối các mặt hàng thủ công truyền thống của dân tộc Mông, Giáy cho nhiều cửa hàng lưu niệm ở Sa Pa. Sản phẩm của hợp tác xã cũng trải rộng ở các điểm du lịch miền núi phía Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh. Chị tiết lộ thêm, việc kinh doanh này mang lại cho chị lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm nương. Không chỉ nâng cao đời sống kinh tế của gia đình, chị thấy vui vì giúp được nhiều người, góp phần lưu gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương đang dần bị mai một.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến hai gian hàng của chị Lan phải đóng cửa do khách du lịch giảm đến 90%, đơn đặt hàng từ những nơi khác giảm sút. Dù vậy, chị Lan vẫn cho hợp tác xã duy trì sản xuất để sẵn sàng cung ứng hàng hóa khi thị trường ổn định trở lại, cũng là để chị em phụ nữ rèn luyện tay nghề.
Mạnh mẽ, giàu nghị lực trong mọi hoàn cảnh, chị Sùng Thị Lan đã dần khẳng định được vị thế của hợp tác xã Mường Hoa trên thị trường, giúp những người dân tộc thiểu số Mông, Giáy ở Tả Van có thể sống với nghề truyền thống trên chính quê hương mình. Hình ảnh nữ giám đốc người Mông cũng đã xóa tan định kiến áp đặt lên người phụ nữ. Họ hoàn toàn có khả năng làm chủ cuộc sống và còn có thể chia sẻ cơ hội phát triển kinh tế cho những chị em khác./.
Một số sản phẩm thổ cẩm của hợp tác xã Mường Hoa: