Khám phá quan trọng về bộ lịch cổ xưa 260 ngày của người Maya

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số mảnh đá tại di chỉ San Bartolo, thuộc miền Bắc Guatemala, như một phần của bức tranh tường được khai quật trong khu vực kim tự tháp Las Pinturas.
Khám phá quan trọng về bộ lịch cổ xưa 260 ngày của người Maya ảnh 1Chữ của người Maya tại một địa điểm ở Guatemala. (Nguồn: Shutterstock)

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã phát hiện ký hiệu cổ nhất của bộ lịch 260 ngày của nền văn minh Maya, hay còn được gọi là Tzolkin.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số mảnh đá tại di chỉ San Bartolo, thuộc miền Bắc Guatemala, như một phần của bức tranh tường được khai quật trong khu vực kim tự tháp Las Pinturas.

Chính những mảnh vỡ này đã cung cấp bằng chứng về ký hiệu lịch cổ nhất của người Maya, với hình dáng tương tự đầu hươu, phía trên có 2 dấu chấm và 1 đường thẳng.

[Mexico "đưa về cố quốc" cổ vật của nền văn minh Maya từ Áo]

Các chuyên gia cho biết ký hiệu này được tạo ra trong khoảng năm 200-300 trước Công nguyên.

Theo giới khoa học, ký hiệu này tượng trưng cho ngày 7 Manik (trong tiếng Maya có nghĩa là 7 con hươu). Chuyên gia về văn khắc Dmitry Belyayev, thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Bộ châu Mỹ cổ đại Yuri Knorozov, nhấn mạnh đây là phát hiện cực kỳ quan trọng, chứng minh rằng ngay từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, người Maya ở vùng đất thấp đã sở hữu hệ thống chữ viết tiên tiến, vì các mảnh vỡ được công bố không chỉ có các ký tự biểu đồ mà cả ký hiệu ngữ âm.

Phát hiện này đồng thời sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn cách tính lịch 260 ngày của người Maya và các kiến thức liên quan đến khoa học vũ trụ.

Trong ngôn ngữ Maya cổ đại, Tzolkin có nghĩa là “đếm ngày,” đây được cho là bộ lịch cổ nhất ở Trung Bộ châu Mỹ.

Khác với các lịch khác dựa vào sự chuyển động của các vì sao, lịch Tzolkin hiện nay được cho là chỉ phát xuất từ toán học và không dựa vào bất cứ hiện tượng thiên nhiên nào.

Theo Science Advances, lịch Tzolkin từng được sử dụng ở khắp Trung Bộ châu Mỹ cổ đại, cũng như trong các cộng đồng người Maya bản địa ngày nay.

Đây cũng là 1 trong 7 loại lịch của người Maya cổ đại, từng sinh sống và phát triển rực rỡ ở miền Nam Mexico và một phần Trung Mỹ.

Maya từng là một nền văn minh vĩ đại, đạt tới đỉnh cao của mọi lĩnh vực từ kiến trúc, toán học, thiên văn học cho đến nghệ thuật.

Xuất hiện từ năm 2.000 trước Công nguyên, nhiều công trình ấn tượng của người Maya vẫn còn tồn tại trong các khu rừng ở phía Đông Nam Mexico, Guatemala, Belize và phía Tây của Honduras.

Trong thời kỳ đầu Công nguyên, hàng loạt nhà nước, quốc gia của người Maya được thành lập và phát triển rực rỡ, đa dạng.

Tuy nhiên, các quốc gia lần lượt diệt vong một cách bí ẩn và gần như biến mất hoàn toàn vào thế kỷ 10. Chỉ duy nhất một quốc gia trên bán đảo Yucatan, Mexico, tiếp tục tồn tại đến thế kỷ 16, trước khi biến mất do cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục