Không hợp pháp hóa

Khẳng định không hợp pháp hóa hoạt động mại dâm

Đại diện Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội khẳng định không hợp pháp mại dâm mà chỉ nghiên cứu quy hoạch cơ sở dịch vụ nhạy cảm.
Ngày 29/2, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi.

Tại hội thảo, trước những thắc mắc xung quanh thông tin về việc đề xuất thành lập “khu đèn đỏ” ở Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội ông Lê Đức Hiền khẳng định sẽ không hợp pháp hóa mại dâm mà chỉ đang nghiên cứu quy hoạch các cơ sở dịch vụ kinh doanh nhạy cảm để quản lý.

Theo ông Lê Đức Hiền, việc đề suất quy hoạch tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về một khu vực là để quản lý chặt chẽ người bán dâm, đồng thời kết hợp các giải pháp hỗ trợ dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe phòng ngừa giảm tác hại… góp phần ngăn chặn tệ nạn mại dâm hoạt động tràn lan ngoài cộng đồng chứ không phải là thành lập phố đèn đỏ như các nước. Tại các khu quy hoạch, nếu phát hiện có hoạt động mua bán dâm vẫn xử phạt hành chính theo luật định.

Tuy nhiên, việc quy hoạch cần phải có đề án chi tiết, cụ thể và còn cần Chính phủ thông qua, nếu thực hiện phải có lộ trình cụ thể, chia thành nhiều giai đoạn.

Theo ông Lê Đức Hiền cho biết, tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, số lượng người bán dâm toàn quốc có khoảng 30.000 người.

Ông Lê Đức Hiền nhận định, phương thức hoạt động mại dâm ngày càng đa dạng. Đối tượng mại dâm sử dụng Internet, các phương tiện liên lạc để tiếp thị, xuất hiện mại dâm theo tour du lịch, mại dâm thường tập trung tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình…

Bên cạnh đó, hiện nay đã hình thành các đường dây tổ chức hoạt động mại dâm với quy mô lớn, các đường dây liên tỉnh, cung cấp gái mại dâm cho khách hàng đến các địa điểm du lịch trong nước ngoài.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện công tác phòng chống mại dâm năm 2012, tình hình tệ nạn mại dâm lan rộng ở hầu hết các tỉnh thành phố và không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị, các khu vực du lịch nghỉ mát mà còn xảy ra ở vùng nôn thôn và miền núi.

Tại các cửa khẩu tiếp biên giới, tình hình mua bán người vì mục đích mại dâm và bắt cóc trẻ em rất đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc quản lý địa bàn biên giới, cửa khẩu tạo kẻ hở cho tội phạm về mại dâm lợi dụng để hoạt động. Đặc biệt, mại dâm ở trẻ em vẫn xảy ra, đáng chú ý trong một số vụ mua dâm trẻ em, đối tượng dẫn dắt, lừa gạt, môi giới cũng ở tuổi vị thành niên.

Ông Lê Đức Hiền cho biết, hiện nay việc quản lý cấp phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn chồng chéo và công tác kiểm tra còn hạn chế dẫn đến thiếu hiệu quả trong phòng chống mại dâm.

Đặc biệt, trong năm 2012, quy định Luật xử phạt hành chính được Quốc hội thông qua, không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm đã tạo điều kiện cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với nhóm người bán dâm, đồng thời giúp họ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội ở cộng đồng. Tuy nhiên, các mô hình thí điểm giảm hại và hỗ trợ người hoạt động mại dâm hoàn lương còn đơn giản, phạm vi hẹp, chưa hình thành được hệ thống dịch vụ xã hội nên hiệu quả còn chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu chính sách, chế độ hỗ trợ người bán dâm. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội còn kỳ thị, không chấp nhận, xa lánh đối với người bán dâm cũng là rào cản lớn trong việc giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

“Chúng ta đã có thay đổi lớn về quan điểm trong việc xử lý tệ nạn mại dâm. Các chính sách mới  tập trung vào hỗ trợ người bán dâm tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội, y tế. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để thực hiện có hiệu quả những chính sách này.” Ông Lê Đức Hiền nói./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục