Khánh Hòa: Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ở huyện miền núi Khánh Vĩnh

Khánh Vĩnh có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái khi sở hữu nhiều cảnh quan rừng-thác-suối độc đáo và là nơi sinh sống của 23 đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên bức tranh đa văn hóa đặc sắc.

Công viên Du lịch Yang Bay (huyện Khánh Vĩnh) trở thành điểm đến của du khách ưa trải nghiệm du lịch sinh thái núi rừng. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)
Công viên Du lịch Yang Bay (huyện Khánh Vĩnh) trở thành điểm đến của du khách ưa trải nghiệm du lịch sinh thái núi rừng. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Huyện miền núi Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có đang hướng đến phát triển du lịch dựa trên các giá trị của cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số.

Khánh Vĩnh nằm giữa trục đường kết nối từ Nha Trang (Khánh Hòa)-Đà Lạt (Lâm Đồng) vốn là hai điểm du lịch lớn.

So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện có mật độ sông suối cao, tạo nên nhiều thác ghềnh, cảnh quan đẹp, đặc sắc; trong đó, suối nước nóng Khánh Hiệp có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Địa phương có 70% dân số là người dân tộc thiểu số với 23 dân tộc anh em. Lễ hội nơi đây rất đa dạng và phong phú như lễ cưới của đồng bào T’rin; lễ ăn mừng lúa bắp mới, lễ mừng nhà mới, lễ bỏ mả của dân tộc Raglai, Ê Đê; hội tung còn của dân tộc Tày; lễ đền ơn đáp nghĩa của đồng bào Raglai…

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (du khách đến từ Khánh Hòa) cho biết: “Tôi cho rằng với cảnh sắc đẹp, Khánh Vĩnh có thể phát triển du lịch theo hướng gắn với nông nghiệp sạch, hay tham quan, vườn cây ăn trái, hoặc các thể là du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… Vùng đất này có sông, suối, cây ăn trái rất ngon.”

Thời gian tới, huyện dự kiến phát triển du lịch sinh thái ở các điểm có sẵn như Khu Du lịch Công viên Yang Bay, các Khu Du lịch suối Đá Bàn, suối Lách-Mà Giá, suối Lách 2, Nhân Tâm 2, suối Mấu-Thác Bầu, điểm dừng chân Bến Lội…

Địa phương kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện 7 dự án du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái tại các xã Khánh Thượng, Giang Ly, Khánh Thành, Khánh Trung… Tổng vốn đầu tư dự kiến 894,656 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện huyện Khánh Vĩnh, để phát triển du lịch địa phương hệ thống, bài bản, huyện đã có kế hoạch và hoàn thành Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số huyện, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương và bảo vệ tài nguyên, bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Cùng với đó, du lịch cộng đồng được phát triển theo hướng đa dạng và bền vững, tạo ra các sản phẩm, mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, kết hợp với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống….

Theo ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh, để thu hút khách du lịch đến địa phương, huyện dự kiến tổ chức các lễ hội cổ truyền như Lễ hội Ăn đầu lúa mới, các hoạt động như làm bánh, chế biến các món ăn từ trái cây, cá suối của người người dân tộc Raglai…

Địa phương tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình làm du lịch bản địa gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống của người T’rin như tổ chức lễ cưới của người T’rin; trong đó sẽ có các hoạt động mô phỏng lại tục lệ xưa nh đốn 100 bó củi làm của hồi môn, tổ chức trao vòng, chúc rượu, thịt cho người thân của hai bên thông gia…

Trước mắt, huyện thực hiện thí điểm mô hình làng Raglai tại một thôn ở xã Khánh Trung. Đến đây, du khách được trải nghiệm các hoạt động thường nhật của người dân như làm rẫy, chăn nuôi, chế biến các món ăn của người Raglai.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về truyền thống của người Raglai, khách du lịch sẽ được tham gia vào các lớp học hướng dẫn đan gùi, dệt thổ cẩm hoặc đánh mã la, chơi đàn đá, làm đàn Chapi…

Huyện đã tranh thủ huy động mọi điều kiện, nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả các điều kiện, tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch tại các địa bàn có tiềm năng; thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án như chương trình Nông thôn Mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch cộng đồng huyện Khánh Vĩnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về du lịch cho người dân trên địa bàn; xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng nhằm quảng bá các sản phẩm địa phương và tạo dấu ấn cho du khách.

Hiện trên địa bàn huyện, một số đơn vị đề xuất hỗ trợ mở các lớp dạy múa hát, đào tạo và thành lập đội văn nghệ chuyên nghiệp biểu diễn phục vụ khách du lịch tại nhà dài của người Raglai, lớp dạy đánh mã la cho thanh, thiếu niên; các lớp dạy nghề đan lát thủ công mỹ nghệ (gùi, nỏ, đàn Chapi...).

Với định hướng phát triển rõ ràng, thời gian tới, huyện Khánh Vĩnh sẽ là một điểm đến du lịch sinh thái, dựa trên bản sắc của cộng đồng người dân tộc thiểu số, qua đó, góp phần phát triển kinh tế, đời sống của người dân nơi đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục