Khánh thành Thư viện Bưu điện Văn hóa xã đầu tiên của cả nước

Thư viện Bưu điện Văn hóa xã đầu tiên của cả nước đã được khánh thành ngày 14/5, tại Bưu điện Văn hóa xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Khánh thành Thư viện Bưu điện Văn hóa xã đầu tiên của cả nước ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Thư viện Bưu điện Văn hóa xã đầu tiên của cả nước đã được khánh thành ngày 14/5, tại Bưu điện Văn hóa xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình Thư viện Bưu điện Văn hóa xã là sự kết hợp giữa Thư viện và Bưu điện Văn hóa xã. Trong đó, Bưu điện Văn hóa xã được nâng cấp, mở rộng chức năng, tăng cường bổ sung các hoạt động phục vụ sách, báo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hóa của người dân vùng nông thôn.

Theo đó, Thư viện Bưu điện Văn hóa xã Tân Thông Hội được trang bị “Hệ thống kiosk thông tin nông thôn mới,” do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu triển khai ứng dụng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước.

Với hệ thống máy vi tính kết nối mạng Internet, Wifi miễn phí cùng với màn hình TV kết nối đường truyền cáp quang cung cấp dịch vụ MyTV, hệ thống kiosk thông tin nông thôn mới tự động cập nhật liên tục và cung cấp cho người dân những dữ liệu thông tin mới nhất về kinh tế, khoa học sản xuất, kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp.

Song song đó, tại Thư viện Bưu điện còn có hệ thống thư viện với hơn 800 quyển sách và số lượng báo phong phú được chuyển đến hằng ngày nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thông tin, văn hóa của người dân vùng nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng phong trào đọc sách, báo trong nhân dân.

Bà Võ Thị Kiều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết xã Tân Thông Hội đã đạt tất cả tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và hiện nay tiếp tục giữ vững và nâng cấp tiêu chí đã đạt được.

Với mô hình Thư viện Bưu điện đặt trên địa bàn xã, sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát triển nông thôn mới hơn nữa. Bà con nông dân chắc chắn hưởng lợi từ mô hình này, vì đây sẽ là nơi bà con được cập nhật các kiến thức khoa học nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả hơn và từ đó sẽ nâng cao thu nhập.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành Thư viện Bưu điện Văn hóa xã Tân Thông Hội, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hệ thống Bưu điện Văn hóa xã đã được triển khai từ năm 1998, đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ bà con ở các vùng nông thôn về cập nhật thông tin và các dịch vụ bưu chính viễn thông.

Nhưng giờ đây công nghệ phát triển vượt bật, với việc phủ sóng của mạng Internet, điện thoại di động phổ biến đến từng nhà, vai trò Bưu điện Văn hóa xã trước đây dần mờ nhạt.

Thấy trước các thách thức này, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai một cách sáng tạo mô hình Thư viện Bưu điện Văn hóa xã, với mục tiêu biến nơi đây là một cơ sở văn hóa với hạ tầng hiện đại nhằm phục vụ thiết thực các nhu cầu của bà con vùng nông thôn, đồng thời là nơi để bà con đến sinh hoạt cộng đồng, tham gia các hoạt động giao lưu, và trên hết là địa chỉ để bà con tiếp cận với hệ thống thông tin sách báo, các phương tiện truyền thông hiện đại.

Ông Lê Mạnh Hà cũng nhấn mạnh Thư viện Bưu điện Văn hóa xã nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng nông thôn, do đó, phải đặt mục tiêu phục vụ lâu dài cho bà con, tránh bệnh thành tích. Việc hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và sự đóng góp của các đơn vị tài trợ trong giai đoạn đầu là cần thiết, nhưng Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh cần phải quản lý, vận hành và phát triển theo hướng tìm các nguồn thu ổn định, để tự nội lực phát triển, tránh tư duy bao cấp, ỷ lại.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, trong các giai đoạn tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại các xã nông thôn mới của thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục