Khánh thành Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đầu nối

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển công trình trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đầu nối tỉnh An Giang.
Khánh thành Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đầu nối ảnh 1Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Sáng 23/12, tại phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển công trình trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đầu nối tỉnh An Giang.

Trạm biến áp 22kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối được khởi công vào tháng 6/2016 và đóng điện thành công, đưa vào vận hành vào ngày 27/11.

Trạm biến áp có quy mô lắp đặt gồm hai máy biến áp 220kV công suất (2x250)MVA với bảy ngăn lô 220kV (giai đoạn một lắp 1 máy biến áp 250MVA cùng 4 ngăn lô 220kV); hai máy biến áp 110kV công xuất (2x63)MVA với 12 ngăn lô 110kV (giai đoạn một lắp một máy biến áp 63MVA cùng bảy ngăn lô 110kV) và đường dây đấu nối chiều dài toàn tuyến gần 3km, với tổng vốn đầu tư trên 309 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng của Tổng công ty Điện lực miền Nam và do Ban quản lý dự án Điện lực miền Nam thực hiện.

Đây là công trình trạm và lưới 220kV đầu tiên do Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện và lần đầu tiên Tổng công ty Điện lực miền Nam sử dụng hệ thống SCADA để đóng điện vận hành từ xa. Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên được gắn biển cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chào mừng Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

[Khánh thành trung tâm điều khiển điện cho 21 tỉnh thành phía Nam]

Ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, cho biết An Giang hiện là một trong những tỉnh có tốc độ gia tăng phụ tải rất cao do nhu cầu cấp thiết cho các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; trước khi có trạm 220kV Long Xuyên 2, trên địa bàn tỉnh An Giang chỉ có trạm 220kV duy nhất ở Châu Đốc (2x125MVA), và phải nhận điện 110kV thêm từ hai trạm ngoài tỉnh là 220kV Thốt Nốt (2x125MVA) và 220kV Rạch Giá (2x125MVA); nên việc cung cấp điện cho địa phương đôi khi có những khó khăn nhất định.

Trước tình hình đó, để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện của khu vực, đảm bảo chất lượng điện áp, đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục cho khách hàng, giảm tổn thất điện năng, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã quyết định đầu tư xây dựng công trình Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cũng xem công trình này là rất quan trọng nhằm đảm bảo nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Long Xuyên và các địa phương lân cận.

Theo ông Hợp, công trình Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối được hoàn thành sẽ giúp cho việc cung cấp điện ở địa bàn tỉnh An Giang được tốt hơn về chất lượng, độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng và đặc biệt là đáp ứng nguồn cho các trạm biến áp 110kV, cho nhu cầu phát triển các khu-cụm công nghiệp-khu kinh tế... ở thành phố Long Xuyên và các khu vực lân cận, trở thành một điều kiện quan trọng để địa phương phát triển vững mạnh về kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về thực hiện xóa đói giảm nghèo…

Được sự đồng ý của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực An Giang là đơn vị quản lý vận hành lưới điện trung, hạ áp và kinh doanh bán điện đến các hộ tiêu thụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục