Khi các nhà khoa học Nhật Bản làm chính trị

Ngày 16/9, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng mới của Nhật Bản Yukio Hatoyama, Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đã công bố danh sách nội các của Chính phủ liên minh giữa DPJ với Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Đảng Quốc dân mới (PNP).

Nội các của tân Thủ tướng Hatoyama là nội các "khoa học tự nhiên" đầu tiên trong thời hậu chiến ở xứ sở hoa anh đào, bởi vì những người đóng vai trò trụ cột trong nội các này đều tốt nghiệp từ các trường đại học khoa học tự nhiên.   
Ngày 16/9, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng mới của Nhật Bản Yukio Hatoyama, Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đã công bố danh sách nội các của Chính phủ liên minh giữa DPJ với Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Đảng Quốc dân mới (PNP).

Có thể nói, nội các của tân Thủ tướng Hatoyama là nội các "khoa học tự nhiên" đầu tiên trong thời hậu chiến ở xứ sở hoa anh đào, bởi vì những người đóng vai trò trụ cột trong nội các này đều tốt nghiệp từ các trường đại học khoa học tự nhiên.  

Nội các "khoa học tự nhiên"

Tân Thủ tướng Hatoyama là một số ít trong giới chính trị Nhật Bản có xuất thân từ ngành khoa học tự nhiên. Sau khi tốt nghiệp khoa Cơ khí của Đại học Tokyo, ông Hatoyama đã hoàn tất chương trình tiến sỹ ngành cơ khí của Đại học Stanford thuộc bang California (Mỹ).

Tân Thủ tướng Hatoyama cũng từng là trợ lý chuyên ngành cơ khí quản lý của Học viện Công nghệ Tokyo. Khi được bầu vào Hạ viện lần đầu tiên năm 1986, khẩu hiệu ưa thích của chính trị gia này là: “Hãy biến ước mơ thành sự thực và nghĩ về chính trị một cách khoa học”.  

Bên cạnh đó, trong số các thành viên nội các mới, Chánh Văn phòng Nội các Hirofumi Hirano, đang giữ chức Chủ tịch Ban Thư ký Ban Chấp hành DPJ, đã tốt nghiệp khoa Khoa học và Cơ khí của Đại học Chuo; quyền Chủ tịch DPJ Naoto Kan, người vừa được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh phụ trách Cục Chiến lược Quốc gia (NSB), từng nghiên cứu vật lý ứng dụng tại Viện Công nghệ Tokyo.  

Ông Kaoru Takeuchi, người đã viết một số cuốn sách về khoa học, nói: “Khi đọc và nghe các luận điểm và ý tưởng của ông Hatoyama, tôi nghĩ chúng dựa vào các chiến lược khoa học”. Ông Takeuchi cho rằng ông Hatoyama muốn áp dụng các nghiên cứu khoa học mà ông đã tiến hành vào chính trị. Những hy vọng đối với chính quyền mới Hiện nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào việc những nhà lãnh đạo xuất thân từ ngành khoa học, vốn lôgíc và có lý trí, sẽ mang lại những thay đổi nào cho đất nước Mặt Trời mọc?

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Hatoyama đã nhắc lại quyết tâm xóa bỏ truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào các công chức trong việc ra quyết định như hiện nay.  

Tân Thủ tướng Nhật Bản nói: “Đây là thời điểm áp dụng nền chính trị không do các công chức kiểm soát”. DPJ đã quyết định thành lập Cục Chiến lược Quốc gia (NSB) do Phó Thủ tướng Naoto Kan lãnh đạo. NSB chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và sẽ quyết định các vấn đề quan trọng như các kế hoạch quốc gia và phân bổ ngân sách. NSB sẽ đóng vai trò một cơ quan hoạch định chính sách tập trung để thay cho cơ cấu ra quyết định "kép" trong chính quyền do LDP lãnh đạo, theo đó các dự luật hoặc dự thảo ngân sách phải được đảng cầm quyền thông qua trước khi gửi lên Quốc hội phê duyệt.  

Ngoài việc thành lập NSB, DPJ dự kiến sẽ bổ nhiệm hơn 100 nghị sỹ giữ các chức vụ ở các bộ và cơ quan, giúp các chính trị gia giữ vai trò trung tâm trong việc soạn thảo, điều chỉnh và quyết định các chính sách.  

Về mặt kinh tế, trong cương lĩnh tranh cử của mình, DPJ đã đưa ra nhiều chính sách thiết thực nhằm nâng cao đời sống của nhân dân như tăng lương tối thiểu, giảm thuế xăng dầu và chấm dứt thu lệ phí đường cao tốc, trợ cấp cho các gia đình đang nuôi con nhỏ, với mức trợ cấp 26.000 yên/tháng/trẻ cho đến khi học trung học cơ sở, miễn học phí ở các trường trung học công... Để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, DPJ dự định sắp xếp lại ngân sách quốc gia để tiết kiệm khoảng 9.000 tỷ yên. Bên cạnh đó, DPJ cam kết sẽ duy trì mức thuế tiêu thụ cá nhân 5% trong 4 năm tới.  

Về đối ngoại, giới phân tích đánh giá các cuộc tiếp xúc của tân Thủ tướng Hatoyama với các nhà lãnh đạo thế giới tại khóa họp của Đại hội đồng LHQ hay Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới chính là "cơ hội vàng cho chính phủ mới thúc đẩy các chính sách đối ngoại của mình giữa bối cảnh thế giới đang để mắt tới Nhật Bản, quốc gia gần đây đã bị tụt hậu so với Trung Quốc”.  

Theo nhà kinh tế trưởng Susumu Kato thuộc Calyon Securities, ưu tiên hàng đầu của ông Hatoyama trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là tái khẳng định với Oasinhtơn rằng Nhật Bản vẫn là một đồng minh vững chắc của Mỹ. Trong khi đó, giáo sư về khoa học chính trị Shinichi Nishikawa tại Đại học Meiji ở Tôkyô phỏng đoán: Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Hatoyama sẽ xúc tiến cam kết “đầy tham vọng” của Nhật Bản là cắt giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ mức năm 1990 đến năm 2020 và giúp các nước nghèo đấu tranh chống biến đổi khí hậu.  

Tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, giới phân tích nhận định tân Thủ tướng Nhật Bản nhiều khả năng sẽ thúc đẩy quan điểm của ông về một cộng đồng Đông Á trong tương lai “mang phong cách EU” và hệ thống tiền tệ riêng. Tại hội nghị G20, ông Hatoyama dự kiến sẽ khẳng định với các nước rằng Nhật Bản cam kết góp phần vào nỗ lực khôi phục kinh tế toàn cầu, thông qua việc kích thích nhu cầu nội địa bằng các biện pháp mới, chuyển sự tập trung từ những doanh nghiệp lớn sang các hộ gia đình.  

Con đường phía trước đầy chông gai

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền của tân Thủ tướng Hatoyama phải đối mặt là phục hồi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong bối cảnh phải đối mặt với tình trạng thiểu phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Vài tháng gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi sau khi lâm vào một “cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ”, nhờ các gói kích cầu khổng lồ của chính phủ.

Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chưa vững chắc, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục 5,7% vào tháng 7/2009, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tiếp tục giảm.  

Trong khi đó, chính phủ liên minh chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính khi thực hiện các cam kết trong cương lĩnh tranh cử khi gần 70% ngân sách bổ sung cho tài khóa 2009 đã được chính phủ sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Taro Aso giải ngân.

Để đảm bảo sự ổn định trong điều hành chính phủ, trước và sau khi thắng cử, Thủ tướng Hatoyama luôn khẳng định DPJ cần phải thành lập chính phủ liên minh với SDP và PNP mặc dù các đảng này có sự khác biệt trong quan điểm về các vấn đề ngoại giao, an ninh quốc gia và một số chính sách khác. Điều này sẽ giúp cho chính phủ liên minh kiểm soát lưỡng viện của Quốc hội.  

Tuy nhiên, các cuộc thương lượng về việc thành lập Chính phủ liên minh giữa ba đảng cho thấy việc điều phối chính sách giữa ba đảng trong chính phủ liên minh là một vấn đề lớn. Điều này có thể gây khó khăn cho việc điều hành chính phủ của Thủ tướng Hatoyama./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục