Khó khăn nhất để nâng cao năng suất lao động lại là “chất lượng”

Với tầm nhìn 2020, điều kiện lao động giá rẻ sẽ dần mất đi và đặc biệt khi giai đoạn “dân số vàng” không còn thì chất lượng lao động chính là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy tăng năng suất.
Khó khăn nhất để nâng cao năng suất lao động lại là “chất lượng” ảnh 1Năm 2013, tỷ lệ đào tạo của lực lượng lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 18,4%. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Với tầm nhìn 2020, điều kiện lao động giá rẻ sẽ dần mất đi và đặc biệt khi giai đoạn “dân số vàng” không còn nữa thì chất lượng lao động chính là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Song đây cũng chính là một thách thức lớn cho Việt Nam trong gian đoạn tới và vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra trao đổi, thảo luận đồng thời kiến nghị các giải pháp tăng năng suất lao động xã hội, tại Diễn đàn “Năng suất lao động Việt Nam 2014” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 27/11.

Theo Báo cáo "Tăng năng suất lao động Việt Nam: Đặc trưng, thách thức và giải pháp" của nhóm nghiên cứu của CIEM, mặc dù Việt Nam nằm trong nhóm các nước có năng suất lao động xã hội thấp nhất ASEAN ( đạt 5.440 USD năm 2013), nhưng xét về diễn biến dịch chuyển năng suất lao động trong thời gian 2007-2013 cho thấy đã có sự cải thiện.

Cụ thể năm 2007, mức năng suất lao động bình quân/lao động của các nước ASEAN là 9.173 USD gấp 2,12 lần so với năng suất lao động của Việt Nam thì đến năm 2013, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1,98 lần.

Báo cáo đã chỉ ra, đặc trưng của năng suất lao động ở Việt  Nam trong thời gian qua là kết quả của quá trình gia tăng năng suất nội bộ ngành và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Những đặc điểm này tương ứng tại một số nước châu Á trong giai đoạn đầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa từ một nước nông nghiệp, như Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2001-2010, vốn đầu tư trong nền kinh tế tăng mạnh, trung bình 38%-39%/GDP đã gia tăng đáng kể mức độ tích tụ vốn trên lao động trong nền kinh tế. Tuy nhiên những năm gần đây, tốc độ vốn đầu tư đã giảm rõ rệt, chỉ còn khoảng 30%.

Theo bà Đặng Thị Thu Hoài, Phó trưởng ban Chính sách Dịch vụ Công (CIEM,) “ sự suy giảm tốc độ tăng năng suất những năm gần đây là hệ quả tất yếu khi mà tốc độ vốn trên lao động cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đang giảm mạnh.”

Bên cạnh đó phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Các vấn đề xã hội lại chỉ ra yếu tố tác đến năng suất lao động của Việt Nam từ góc độ cơ cấu lao động và kỹ năng.

Theo tiến sỹ Ngọc, mặc dù lực lượng lao động của Việt Nam là dồi dào (năm 2013, lực lượng lao động cả nước đạt 53,7 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm đến 77,5%.) Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo lại thấp và không được cải thiện qua các năm (năm 2007, tỷ lệ đào tạo của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng cấp chứng chỉ đạt 17,4%  đến năm 2013, tỷ lệ đó cũng chỉ nhỉnh hơn với mức 18,4%.)

Theo đó bà Hoài chỉ ra, hiện những thách thức tăng năng suất lao động của Việt Nam tập trung vào những vấn đề rất khó giải quyết và rất cần nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể cải thiện tình hình. Cụ thể, đó là nâng cao chất lượng lao động, gia tăng đóng góp của khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (lao động, vốn, đất đai, tài nguyên khác…)

Thêm vào đó bà Hoài nhấn mạnh, một thách thức khác mà Việt Nam cần phải chú ý tới đó là gia tăng năng suất lao động đi kèm với tạo việc làm trong điều kiện giá lao động đang gia tăng đồng thời nâng cao chất lượng nguồn lực lao động trong khu vực Nhà nước (doanh nghiệp nhà nước, hành chính, sự nghiệp)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục