Khoảng 330 công ty nước ngoài sẽ tham gia “Aero-India 2015”

Dự kiến khoảng 330 công ty nước ngoài sẽ cùng 270 công ty trong nước của Ấn Độ tham gia “Aero-India 2015” tại thành phố Bangalore, bang Karnataka (Ấn Độ), khai mạc vào ngày 18/2.
Khoảng 330 công ty nước ngoài sẽ tham gia “Aero-India 2015” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: trinityisle.com)

Dự kiến khoảng 330 công ty nước ngoài sẽ cùng 270 công ty trong nước tham gia “Aero-India 2015” tại thành phố Bangalore, bang Karnataka của Ấn Độ, khai mạc vào ngày 18/2.

Thủ tướng Narendra Modi sẽ tới khai mạc triển lãm này và đây là dịp để ông quảng bá chính sách sản xuất tại Ấn Độ.

“Aero-India” là triển lãm hàng không, được tổ chức hai năm một lần, kể từ năm 1996, đã trở thành “diễn đàn lớn” cho các công ty thiết bị vũ khí lớn trong thập niên qua, trong đó Ấn Độ đã nổi lên thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với giá trị các hợp đồng được ký kết lên tới hơn 60 tỷ USD.

Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ chi 120 tỷ USD để mua sắm vũ khí trong thập niên tới, trong đó có máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng, trọng pháo và tàu ngầm. Chỉ riêng Lực lượng không quân Ấn Độ (IAF) đang muốn đầu tư hơn 35 tỷ USD để trang bị các máy bay chiến đấu và lên thẳng mới, máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu trên không, máy do thám và máy bay chiến đấu không người lái, cùng các tên lửa và rađa hiện đại.

Một quan chức Ấn Độ cho biết, các công ty Boeing, Airbus, Lockheed Martin tới BAE Systems, Israeli Aerospace Industries và Dassault Aviation đều dự kiến tham gia triển lãm “Aero-India 2015” và sẽ mang tới nhiều máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng để trưng bày. Mỹ có tới 64 công ty tham gia triển lãm lần này; tiếp đó đến Pháp 58 công ty; Anh 48 công ty; Nga 41 công ty; Israel 25 công ty và Đức 17 công ty.

Khoảng 150 tổng giám đốc các công ty trong và ngoài nước, cùng ít nhất 5 Bộ trưởng Quốc phòng và 6 tư lệnh quân đội cùng hơn 60 đại biểu chính thức từ các nước trên thế giới được mời tham dự triển lãm.

Tại triển lãm “Aero-India 2015” kéo dài 5 ngày, các công ty nước ngoài sẽ thăm dò những cơ hội làm ăn mới với các đối tác Ấn Độ. Đối với những người đam mê hàng không thì sức hút lớn nhất là các loại máy bay chiến đấu F15-C Eagle của Boeing và F-16 của Lockheed Martin. Máy bay F15-C Eagle của lực lượng Không quân Mỹ cất cánh từ một căn cứ không quân ở Nhật Bản sẽ có mặt lần đầu tiên tại triển lãm hàng không này. Bên cạnh đó, ba máy bay chiến đấu Rafale của hãng hàng không Dassault (Pháp) và máy bay Su-30 MKI của lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) cũng dự kiến có mặt tại Bangalore.

Rafale nằm trong chương trình mua sắm 126 máy chiến đấu mà Ấn Độ đã lên kế hoạch hơn 3 năm qua, song cho đến nay Pháp và Ấn Độ vẫn chưa ký được hợp đồng thương mại nào. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp sẽ tham dự triển lãm “Aero-India 2015”, để tiếp tục thảo luận với giới chức Ấn Độ nhằm khai thông bế tắc.

Nhiều máy bay chiến lược khác như C-17 Globemaster-III và P8-A của hãng Boeing cũng được đưa đến “đua tài” tại triển lãm, trong khi IAF sẽ cho máy bay vận tải hạng nặng C-17 hoạt động và lực lượng Hải quân Ấn Độ (INF) sẽ cho ra mắt loại máy bay do thám hàng hải P8I. KC-135 của Boeing và EMB-145-I của Embraer cũng là những máy bay quân sự quan trọng khác sẽ có mặt tại triển lãm.

Về lĩnh vực dân sự, có 17 loại máy bay và máy bay lên thẳng tham gia triển lãm. Tất cả các công ty đều mong muốn biết chính xác cách thức Chính phủ Ấn Độ có thể chuyển kế hoạch xây dựng một căn cứ công nghiệp quốc phòng mạnh trong nước thành hành động cụ thể trên thực địa.

Chẳng hạn Chính phủ của Thủ tướng Modi đã quyết định nâng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của lĩnh vực quốc phòng lên 49%, nhưng vẫn chưa thuyết phục được các công ty sản xuất vũ khí toàn cầu.

Tuy nhiên, kế hoạch đưa vào phiên chế của các lực lượng vũ trang Ấn Độ hơn 1.000 máy bay lên thẳng các loại trong 15 năm tới, hầu hết sẽ được chế tạo tại Ấn Độ, với sự hợp tác của nước ngoài đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty.

Các công ty tư nhân của Ấn Độ, trong đó nhiều công ty phối hợp với các công ty vũ khí toàn cầu, cũng mong muốn vào lĩnh vực sản xuất quốc phòng. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng loại bỏ các “nút thắt cổ chai” đối với xuất khẩu vũ khí, đồng thời đơn giản hóa những thủ tục phức tạp đối với việc sản xuất các hệ thống vũ khí theo nghiên cứu và phát triển trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục