Khoảng trống lãnh đạo trong phe đối lập ở Nga

Tình hình sức khỏe bất ngờ xấu đi của nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny để lộ ra một vấn đề có tính dài hạn - vị trí lãnh đạo trong phe đối lập của Nga bị bỏ trống.
Khoảng trống lãnh đạo trong phe đối lập ở Nga ảnh 1Ông Alexei Navalny. (Nguồn: themoscowtimes.com)

Theo hãng Reuters, tình hình sức khỏe bất ngờ xấu đi của nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny đã làm rối tung chiến lược của ông nhằm thách thức quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin trong các cuộc bầu cử khu vực sắp tới.

Tuy nhiên, nó cũng để lộ ra một vấn đề có tính dài hạn hơn - vị trí lãnh đạo trong phe đối lập của Nga bị bỏ trống.

Navalny - 44 tuổi, đang được điều trị tại một bệnh viện ở Berlin sau khi nghi ngờ bị đầu độc - từng thúc giục những người ủng hộ bỏ phiếu về mặt chiến thuật cho các ứng cử viên ra tranh cử với tâm thế chống lại đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền vào giữa tháng 9 tới.

Người dân Nga sẽ bầu ra 18 thống đốc cũng như hội đồng lập pháp địa phương và hội đồng thành phố trong một cuộc bầu cử được tổ chức trên toàn quốc. Trên thực tế, cuộc bầu cử này là kỳ diễn tập cho cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 9/2021.

Mặc dù có vẻ như ông Putin - người đang giữ chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 4 - sẽ không thể bị loại ra khỏi vị trí lãnh đạo nước Nga, song các cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc người dân Nga thất vọng vì nhiều năm liền tiền lương bị sụt giảm và đất nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19), khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.

Trước khi ông Navalny ngã bệnh ngày 20/8 trên chuyến bay từ Siberia tới Moskva, ông đã tuyên bố chiến dịch của ông sẽ là một chiến lược dài hơi nhằm phá hủy hệ thống chính trị vốn thường xuyên cấm các đồng minh của ông tham gia tranh cử, trong khi đó cho phép những thành phần ít cứng rắn hơn của các đảng phái khác được phép ra tranh cử.

[Hậu trưng cầu ý dân ở Nga: Ông Putin cần những ý tưởng mới]

Nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov, từng là người chuyên viết bài phát biểu cho Điện Kremlin, đặt câu hỏi rằng liệu còn có ai khác có đủ ảnh hưởng chính trị để đảm nhận vị trí lãnh đạo chiến dịch này hay không. Ông nói: "Để các cử tri nhất loạt bỏ phiếu cho mình, bạn cần một ai đó cực kỳ có ảnh hưởng."

Theo kế hoạch bỏ phiếu thông minh của ông Navalny, những người ủng hộ sẽ nhận được thư điện tử vào đêm trước khi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương và khu vực, trong đó nói cho họ biết họ cần bỏ phiếu cho ứng cử viên cụ thể nào đang chống lại đảng Nước Nga Thống nhất.

Chiến lược này đã khiến đảng Nước Nga Thống nhất phải hoảng sợ hồi năm 2019, khi đảng này mất 1/3 số ghế trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Moskva.

Tuy nhiên, mặc dù chiến dịch này đa phần đều thất bại ở các khu vực khác ngoài Moskva, song nó đã nhận được động lực từ các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Điện Kremlin gần đây ở vùng Viễn Đông, xuất phát từ việc bắt giữ một thống đốc từng giành được chiến thắng hiếm hoi trước đảng Nước Nga Thống nhất trong cuộc bầu cử địa phương năm 2018.

Leonid Volkov, đồng minh của ông Navalny, nói rằng đội ngũ của ông Navalny sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch bỏ phiếu mang tính chiến lược. Ông nói với Reuters rằng "tất nhiên chúng tôi rất không dễ chịu khi ông Navalny tạm thời không thể tham gia hành động," và cam kết sẽ làm mọi điều có thể "nhằm bù đắp lại sự vắng mặt tạm thời của ông Navalny để kế hoạch bỏ phiếu thông minh giành chiến thắng."

Các bác sỹ Đức nói rằng ông Navalny có thể đã bị ngộ độc một chất ức chế men cholinesterase, chất này cũng từng được sử dụng để bào chế chất độc thần kinh giống như chất đã được sử dụng trong vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga ở Anh năm 2018. Điện Kremlin nói rằng không thể kết luận ông Navalny đã bị đầu độc.

Ai là lãnh đạo?

Vậy ai trong phe đối lập ở Nga có thể thay thế vị trí của ông Navalny nếu ông vẫn tiếp tục nằm trên giường bệnh trong những tháng tới, hoặc thậm chí là vĩnh viễn?

Trở thành nhân vật nổi bật trong các cuộc biểu tình năm 2011, Navalny là một nhà lãnh đạo không thể bị thách thức của phe đối lập. Các video đăng trên kênh YouTube của ông nói chi tiết về các cáo buộc tham nhũng chống lại các quan chức đã thu hút hàng triệu lượt xem, khiến ông trở thành "cái gai trong mắt" của Điện Kremlin.

Andrei Kolesnikov, một nhà phân tích của Trung tâm Carnegie tại Moskva, nói: "Tất nhiên những gì đã xảy ra là nhằm 'xử trảm' phe đối lập". Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin nói rằng kế hoạch bỏ phiếu thông minh của phe đối lập đã khiến chính phủ cảm thấy khó chịu nhưng nó thực sự không phải là một mối đe dọa lớn. Người này nói rằng phe đối lập phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn, và cho biết thêm: "Ông Navalny là người thông minh, trẻ tuổi, đẹp trai, nổi tiếng, và có phong cách riêng... Khi nào thì một người giống như vậy xuất hiện? Chắc sẽ còn lâu."

Tuy nhiên, ông Volkov nói rằng chiến lược bỏ phiếu của phe đối lập không phải chỉ gắn với cá nhân ông Navalny. Ngoài ông Volkov, một đồng minh khác của ông Navalny là Lyubov Sobol, một luật sư 32 tuổi, người đã thu hút nhiều sự chú ý trong các cuộc biểu tình năm 2019 ở Moskva. Những đồng minh khác bao gồm nhà hoạt động Ivan Zhdanov và Georgy Alburov.

Dẫn dắt phe đối lập ở Nga là một nhiệm vụ không mấy hấp dẫn. Ông Navalny đã nhiều lần trở thành mục tiêu của những nhà hoạt động ủng hộ Điện Kremlin, ông từng bị tấn công năm 2016 trong một chuyến đi tới miền Nam nước Nga và bị tấn công 2 lần vào năm 2017.

Việc người anh em trai của ông bị bỏ tù năm 2014 vì tội gian lận cũng được nhiều người cho là xuất phát từ động cơ chính trị. Nguồn tin có mối liên hệ với Điện Kemlin ở trên nói: "Tìm ra một lãnh đạo mới là một thách thức đối với phe đối lập. Tuy nhiên, một số người mới sẽ xuất hiện. Một vị trí quan trọng như vậy sẽ không bao giờ bị bỏ trống lâu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục