Khởi công dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo vào cuối năm 2022

Việc đầu tư kéo dài đường cất, hạ cánh tại sân bay Côn Đảo nhằm khai thác được các dòng máy bay tầm trung như A320/321, thay vì chỉ khai thác được máy bay cỡ nhỏ ATR72 và tương đương.
Khởi công dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo vào cuối năm 2022 ảnh 1Máy bay tại sân bay Côn Đảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), công tác chuẩn bị cho việc triển khai dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo do Ban làm đại diện chủ đầu tư đang bám sát tiến độ đề ra của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, tiến độ thi công đường cất, hạ cánh của sân bay phụ thuộc nhiều vào các công trình do các đơn vị khác triển khai. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm 2022.

Cụ thể, công trình đường cất hạ cánh, đường lăn do Cục Hàng không Việt Nam được giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư.

Trong khi đó, công trình đài kiểm soát không lưu, hệ thống trạm khí tượng hàng không do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) có trách nhiệm đầu tư.

Đặc biệt, công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung như: đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước... do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chịu trách nhiệm đầu tư; công trình kho xăng dầu hàng không triển khai thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, muốn thi công được đường cất, hạ cánh phụ thuộc rất lớn vào ACV trong việc triển khai công trình sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng như: giao thông, cấp thoát nước... Nếu các công trình này đẩy nhanh tiến độ thì việc thi công đường cất, hạ cánh sân bay Côn Đảo mới nhanh được,” ông Dương Viết Roãn thông tin.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án sẽ được ký kết hợp đồng trong tháng 5 tới để trình thẩm định và phê duyệt báo cáo FS trong tháng 7/2022.

Theo quy hoạch cảng hàng không, sân bay Côn Đảo là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự. Sân bay  được quy hoạch cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.

Sân bay này cũng được quy hoạch công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm, có thể khai thác máy bay code C hoặc tương đương với 8 vị trí đỗ tàu bay.

[Cục Hàng không đề xuất 3 phương án đầu tư nâng cấp sân bay Côn Đảo]

Việc đầu tư kéo dài đường cất, hạ cánh, thêm vị trí đỗ máy bay nhằm khai thác được các dòng máy bay tầm trung như A320/321, thay vì chỉ khai thác được máy bay cỡ nhỏ ATR72 và tương đương như hiện nay.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa, tái định cư; thiết lập bến cảng tạm thời, bãi tập kết để phục vụ việc vận chuyển nguyên vật liệu ra đảo... thực hiện dự án.

Sân bay Côn Đảo hiện khai thác các chặng đi/đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, tần suất 20-22 chuyến/ngày; công suất phục vụ 400.000 khách/năm.

Lượng khách những năm qua tăng cao, trung bình 15% mỗi năm, song hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nên sân bay chỉ khai thác máy bay nhỏ, không thể bay đêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục