Khơi thông động lực tăng trưởng mới tạo 'bệ đỡ' cho doanh nghiệp phát triển

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò rất quan trọng.

Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới, ngày 12/4. (Ảnh: Vietnam+)
Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới, ngày 12/4. (Ảnh: Vietnam+)

Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Nội dung trên được ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, ngày 12/4.

Khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư

Theo ông Hoàng Quang Phòng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên.

Tuy nhiên, ông Phòng nhấn mạnh bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen. Cụ thể, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng Chuyển đổi Xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm.

“Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện,” ông Phòng nói.

vnp_21.jpg
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung quý 1, cả nước có 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73.900 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và bình quân có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng.

So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý 1, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14.000 doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4.700 doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Cùng với đó, Nghị quyết 58/NQ – CP ngày 21/4/ 2023 của Chính Phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp… nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đưa kinh tế xã hội phát triển.

Quyết liệt đổi mới tư duy

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị để khơi thông các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, các nhóm giải pháp đề nghị nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)… Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần sớm hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Theo đó, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh về định hướng cải cách thể chế vì sự phục hồi và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo bà Minh, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, Việt Nam cần phải quyết liệt đổi mới tư duy. Trong 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới, gắn với phát triển kinh tế đô thị, liên kết đô thị-nông thôn,... Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc, mà có sự gắn kết tương hỗ với nhau, và đều ưu tiên thực hiện khẩn trương, ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.

vnp_232.jpg
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Vietnam+)

Liên quan đến nội dung này, bà Minh cho biết Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ làm Trưởng nhóm xây dựng Chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC cho giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ được công bố vào năm 2025. Trên nền tảng ấy, bà Minh cho rằng Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ.

Theo bà Minh, thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng. Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy nếu xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách với mức trung bình của OECD về các rào cản thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người thêm 1% sau 01 năm, và 7,3% sau 10 năm tiến hành cải cách (so với kịch bản không cải cách).

“Việt Nam cũng cần lưu tâm đến cả những nội lực khác của nền kinh tế, gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, gắn với tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ ‘Gen Z’ đang ngày một mở rộng và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng,” bà Minh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục