Khơi thông thị trường vốn với chứng khoán không có quyền biểu quyết

'Thoạt nhìn 18 tỷ USD có thể nhiều, nhưng room sở hữu cho khối ngoại chủ yếu đang nằm ở nhóm cổ phiếu Vingroup, Vinamilk, Novaland, PVPower và bình quân 748 mã còn lại chưa đến 10 triệu USD/công ty.'
Hội thảo “Tăng cường việc tiếp cận thị trường vốn Việt Nam,” ngày 8/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hội thảo “Tăng cường việc tiếp cận thị trường vốn Việt Nam,” ngày 8/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhằm gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh các sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF (triển khai từ năm 2014) và sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (dự kiến niêm yết từ tháng Sáu), Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) tiếp tục nghiên cứu hai sản phẩm mới - cổ phiếu không có quyền biểu quyết và chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Quản trị Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết tại Hội thảo “Tăng cường việc tiếp cận thị trường vốn Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Ủy Ban Chứng khoán Nhà (SSC) và Nhóm Công tác Thị trường vốn – Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức, ngày 8/5.

[Phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: GDP quý 1 ước đạt 6,79%]

Nhà đầu tư nước ngoài muốn “đổ tiền”… cũng không dễ

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital chỉ ra, thị trường vốn Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Hiện, quy mô thị trường chứng khoán chỉ đạt 170 tỷ USD so với tổng dư nợ tín dụng là 310 USD (ngày 31/12/2018). Trong khi, việc gia nhập vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài lại gặp những trở ngại về quy định sở hữu vốn.

Theo ông Tuấn, tính đến ngày 23/4, tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 145 tỷ USD, trong đó vốn nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu là 35 tỷ USD và room còn lại khoảng 18 tỷ USD.

“Thoạt nhìn con số 18 tỷ USD có thể nhiều, nhưng cụ thể room chủ yếu đang nằm ở nhóm cổ phiếu Vingroup tương đương 7,2 tỷ USD và nhóm ba mã cổ phiếu  Vinamilk, Novaland, PVPower chiếm khoảng 2 tỷ USD, số còn lại nằm ở 748 mã cổ phiếu khác, theo đó quyền đầu tư bình quân của nhà đầu tư nước ngoài chưa tới 10 triệu USD/công ty. Con số bình quan như vậy là quá thấp và nhà đầu tư nước ngoài muốn bỏ tiên vào thị trường song không có cổ phiếu hàng hóa để đầu tư nhiều hơn,” ông Tuấn phân tích.

Khơi thông thị trường vốn với chứng khoán không có quyền biểu quyết ảnh 1Trên HoSE chỉ có 51/376 công ty niêm yết thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ thông tin trên HoSE, bà Việt Hà cho hay, hiện có 51/376 công ty niêm yết thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 25 công ty mở room 100%, 3 công ty nới room từ 51% - 70% nhưng ngược lại cũng có 23 công ty hạn chế lại tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống dưới 49%.

Và, bà Hà chỉ ra ba nguyên nhân khiến cho các công ty trong nước thận trọng trong việc nới room cho khối ngoại. Thứ nhất về pháp lý, các công ty niêm yết khi mở room phải rà soát các ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật và họ thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu thông tin, thêm vào đó là phải làm thủ tục với các cơ quan hữu quan.

Kế đến vấn đề kinh tế, các công ty nới room cho khối ngoại trên 51% sẽ chuyển sang loại hình công ty có vốn đầu tư nước ngoài, theo đó trong một số ngành nghề nhất định sẽ bị hạn chế. Cụ thể, lĩnh vực y tế bị hạn chế phân phối sản phẩm vào các khu vực công hay lĩnh vực công nghệ thông tin có thể gặp những bất lợi nhất định khi tham gia đấu thầu vào các dự án có vốn ngân sách Nhà nước. Lý do cuối cùng là một số công ty niêm yết vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát của cổ đông trong nước trong quá trình triển khai các kế hoạch kinh doanh.

Triển khai chứng khoán không có quyền biểu quyết

Để giải quyết những vấn đề trên, nhiều thị trường chứng khoán quốc tế đã triển khai các sản phẩm chứng khoán không có quyền biểu quyết.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh, thị trường Việt Nam đang thiếu công cụ, sản phẩm đầu tư có tính hấp dẫn, do đó các ty niêm yết sẽ khó khăn trong huy động vốn vào sản xuất.

“Vì vậy, mục tiêu trao đổi tại hội thảo lần này là nhằm tìm ra các mô hình sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam và kiến nghị đưa vào trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Chứng khoán sửa đổi tới đây. Việc đa dạng sản phẩm trên thị trường chứng khoán sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm điều kiện huy động vốn trong sản xuất kinh doanh. Và ở đây, hai mô hình sản phẩm được đề cập là cổ phiếu không có quyền biểu quyết (đang được giao dịch ở Nhật Bản, Malaysia) và chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết (tại Thái Lan),” ông Hiếu nói.

Khơi thông thị trường vốn với chứng khoán không có quyền biểu quyết ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Sau khi phân tích đặc tính sản phẩm của từng mô hình trên, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, không có phương án nào là hoàn hảo và tối ưu, cơ quan quản lý cần phải thiết lập ra những sản phẩm phù hợp với luật định hiện hành cũng như không phải thay đổi quá nhiều về khung khổ pháp lý.

“Mô hình sản phẩm của Malaysia và Nhật Bản dễ dàng trong giao dịch nhưng vướng rất nhiều luật định của Việt Nam và gây khó hiểu, rắc rối cho nhà đầu tư nước ngoài về quyền lợi. Do đó, chúng tôi đề xuất lấy mô hình sản phẩm của Thái Lan làm cơ sở để hiệu chỉnh cho phù hợp với các điều kiện trong nước và tạo ra sản phẩm chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết ở Việt Nam, giai đoạn đầu có thể thí điểm ở một vài công ty đã hết room,” ông Tuấn nói. /.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Quản trị - HoSE:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục