"Không có thỏa thuận gác tranh chấp Nhật-Trung"

Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã dẫn những trao đổi giữa Thủ tướng Nhật Tanaka với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1970.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 19/9 tái khẳng định quan điểm của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông, theo đó không hề tồn tại bất cứ thỏa thuận nào giữa Tokyo và Bắc Kinh về việc tạm gác vấn đề trên, trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ trích việc Nhật Bản quốc hữu hóa phần chính của quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền, coi đây là hành động vô hiệu quá thỏa thuận ngầm giữa hai nước.

Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Gemba đã dẫn những trao đổi giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản hồi đầu thập niên 1970 mà nhiều đoạn trong đó đã được ấn hành như là văn kiện thể hiện lập trường của chính phủ vào tháng 10/2010.

Năm 1972, thời điểm Thủ tướng Kakuei Tanaka thăm Trung Quốc để khôi phục quan hệ giữa hai nước, ông Tanaka đã hỏi quan điểm của Thủ tướng Chu Ân Lai về cuộc tranh chấp này. Ông Chu Ân Lai cho biết ông “không muốn nói về điều đó vào lúc này”.

Vị thủ tướng Trung Quốc khi đó nói với ông Tanaka rằng quần đảo trên trở thành một vấn đề vì vùng biển ngoài khơi có các mỏ dầu.

Theo lời ông Gemba, ông Chu Ân Lai còn nhận định rằng cả Đài Loan và Mỹ sẽ không mảy may quan tâm đến quần đảo này nếu ở đó không có dầu mỏ.

Ngoại trưởng Gemba cho biết: “Vấn đề với cuộc trao đổi này là ở chỗ liệu chúng ta có thể khẳng định đã có một thỏa thuận như vậy? Quan điểm của chúng tôi là không có bất cứ thỏa thuận nào”.

Nhật Bản coi chuỗi đảo nhỏ này là một bộ phận cố hữu của lãnh thổ Nhật Bản và khẳng định không tồn tại bất cứ tranh chấp nào liên quan đến chủ quyền của quần đảo này.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết chính phủ nước này sẽ duy trì cảnh giác đối với các tàu hải giám Trung Quốc đang ở vùng biển gần quần đảo Senkaku.

Ông nói: "Chúng tôi sẽ nỗ lực thu thập thông tin liên quan và duy trì giám sát thông qua Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản và các cơ quan hữu quan của chính phủ"./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục