“Không để học sinh bỏ học vì thiếu sách do mưa lũ”

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đang quyết tâm không để học sinh nào phải bỏ học hay thiếu sách giáo khoa vì mưa lũ.
Đợt lũ lụt vừa qua tại miền Trung đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cả người và của. Ngành giáo dục cũng đứng trước nhiều khó khăn khi hàng trăm trường phải đóng cửa, nhiều thiết bị học tập bị cuốn trôi…

Chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời phỏng vấn về công tác khắc phục hậu quả sau bão lụt của ngành giáo dục.

- Xin Bộ trưởng cho biết những thiệt hại cụ thể của ngành giáo dục mà các tỉnh miền Trung phải gánh chịu sau đợt lũ lụt vừa qua?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đến ngày 25/10, theo thống kê nhanh từ ba tỉnh bị lụt, hầu hết các trường học và gia đình học sinh đều bị thiệt hại nặng nề như sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập bị nước lũ cuốn trôi.

Nhiều thiết bị dạy học, thư viện trường học, thiết bị văn phòng bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, các công trình xây dựng theo Chương trình kiên cố hóa đang thi công, chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng bị hư hại.

Thiệt hại nặng nề nhất là toàn ngành có 6 học sinh bị thiệt mạng, gần 600 trường học bị ngập;1.300 căn hộ của giáo viên bị ngập. Tổng thiệt hại mà ngành giáo dục bị tổn thất sau lũ khoảng hơn 700 tỷ đồng. Riêng số sách giáo khoa bị mất lên tới 400.000 bộ (tương đương khoảng 30 tỷ đồng) .

- Vậy ngành đã có những biện pháp cấp bách nào để khắc phục những hậu quả do mưa lũ?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Mục tiêu lớn nhất hiện nay mà toàn ngành giáo dục hướng tới là sớm ổn định tình hình, đưa các em học sinh tới trường. Do vậy, ngành sẽ cố gắng cung cấp đủ sách giáo khoa cho các em có thể đi học, sau đó sẽ từng bước khắc phục các thiệt hại khác về cơ sở vật chất cho nhà trường và giúp đỡ các gia đình giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh gặp khó khăn.

Trước mắt, Nhà xuất bản Giáo dục đã hoàn thành công tác in ấn gần 400.000 bộ sách giáo khoa để gấp rút chuyển vào cho học sinh, kiên quyết không để các em phải bỏ học vì không có sách giáo khoa.

Số sách này và nhiều trang thiết bị đã được chuyển tới các tỉnh thiệt hại sau đợt mưa lũ lần 1. Ngày 26/10, số sách giáo khoa còn lại trong tổng số gần 400.000 bộ sẽ được chuyển vào nốt để phát cho các em kịp có sách trong ngày đầu trở lại trường.

Ngay khi nước lũ bắt đầu rút, Bộ đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện phương châm 4 tại chỗ, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình học sinh thu dọn, làm vệ sinh trường học, cố gắng ổn định tình hình, sớm đưa các em đến trường. Thời gian tới, Bộ cũng đã yêu cầu các Sở khẩn trương thống kê cụ thể các thiệt hại để sớm đề xuất với Chính phủ các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Ngoài ra, Bộ cũng đã kêu gọi quyên góp ủng hộ học sinh vùng lũ. Đến nay, đã có nhiều đơn vị trong và ngoài ngành, nhiều tổ chức quốc tế gửi hỗ trợ về cho các tỉnh bị thiệt hại với số tiền lên tới 3 tỷ đồng.

Ba ngày sau đợt lũ lụt đầu tiên, ngày 11/10, đoàn công tác của Bộ đã tới thăm và chuyển số tiền quyên góp cũng như thiết bị dạy học, sách giáo khoa tới các tỉnh miền Trung. Trong tuần này sẽ tiếp tục có những đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới làm việc trực tiếp với ba tỉnh để phối hợp bàn biện pháp khắc phục hậu quả cơn lũ, sớm đưa nhà trường trở lại hoạt động bình thường.

- Mưa lũ đã làm gián đoạn việc dạy và học ở nhiều nơi, không những vậy còn làm mất học bạ, sổ điểm… gây khó khăn cho việc quản lý giảng dạy. Vậy Bộ có hướng dẫn gì để các trường đảm bảo nhiệm vụ năm học này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Theo kế hoạch năm học mà Bộ ban hành đã có khoảng hai tuần dự trữ chính là để các nhà trường có khả năng điều chỉnh chương trình học tập phù hợp điều kiện thực tế.

Do vậy, việc điều chỉnh chương trình học cho các em học sinh bị lũ lụt là hoàn toàn khả thi. Các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ tiến độ khắc phục hậu quả cơn lũ để hướng dẫn các nhà trường có điều chỉnh.

Trên thực tế, cũng đã có nhiều trường hợp tương tự mất học bạ, sổ điểm… không chỉ do mưa lũ mà còn do hỏa hoạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có kinh nghiệm xử lý trong các mùa mưa bão trước và nguyên tắc chung là Sở Giáo dục và nhà trường tại địa phương sẽ cùng xem xét từng trường hợp cụ thể.

Nếu không thể khắc phục những dữ liệu này thì hiệu trưởng sẽ xác nhận thực trạng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp và báo cáo về Bộ để giải quyết. Quan điểm chung là phải đảm bảo tối đa quyền lợi cho học sinh.

- Hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân cùng quan tâm, hỗ trợ các tỉnh bị bão lụt, Bộ có biện pháp gì để tránh tình trạng có trường được tập trung hỗ trợ trong khi có trường lại bị “bỏ quên” không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn trân trọng kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành phát huy tinh thần “tương thân tương ái,” “lá lành đùm lá rách” tiếp tục giúp đỡ ngành giáo dục và đào tạo của ba tỉnh bị lũ lụt vừa qua.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng có trường được tập trung hỗ trợ, có trường lại bị bỏ sót thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các đơn vị, nhà hảo tâm cần thông báo về Bộ những khoản trợ giúp của mình đã chuyển về các tỉnh.

Đồng thời, các đơn vị, các nhà hảo tâm có thể trực tiếp phối hợp với Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng điều phối khoản hỗ trợ này với quyết tâm là không để học sinh nào phải bỏ học hay thiếu sách giáo khoa vì mưa lũ.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng

Ngọc Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục