Không để lặp lại kịch bản đứt nguồn cung xăng dầu

Trước thông tin tại một số nơi có hiện tượng tạm dừng, tiết giảm sản lượng bán xăng dầu, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ không để lặp lại tình trạng đứt nguồn cung.
Trước thông tin tại một số địa phương có hiện tượng tạm dừng, hoặc tiết giảm sản lượng bán hàng xăng dầu, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương khẳng định sẽ không để tái diễn tình trạng đứt nguồn cung như thời điểm tháng 4,5/2011.

Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến thường kỳ tháng Hai của Bộ Công Thương diễn ra chiều 5/3 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền cho biết, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên giám sát để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.  Cùng đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

"Mặc dù đang trong thời kỳ khó khăn nhưng các doanh nghiệp đầu mối vẫn đảm bảo dự trữ trong 30 ngày," ông Quyền cho hay.

Đại diện Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.228 trường hợp kinh doanh xăng dầu, phát hiện xử lý 501 vụ vi phạm hành chính xăng dầu, và xử phạt 2.561.720.000 đồng, tước quyền giấy phép kinh doanh 14 trường hợp.

Trước thông tin một số cửa hàng có dấu hiệu đóng cửa, ngừng bán, bán nhỏ giọt, phía Cục Quản lý thị trường  khẳng định, đã tập hợp từ các tỉnh và yêu cầu các địa phương xử lý mạnh tay vấn đề này, không để tái diễn tình trạng găm hàng trục lợi.

Liên quan đến giá xăng dầu trong nước, qua trao đổi với một số doanh nghiệp đầu mối được biết, việc giảm 0% thuế xăng vẫn không ăn thua với đà tăng phi mã của giá xăng dầu thế giới. Nhiều ý kiến đang lo ngại giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục nóng vì thuế xăng đã hết đường lùi còn quỹ bình ổn thì đã cạn.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, đợt giảm thuế vừa rồi cũng chỉ giúp giảm bớt áp lực chứ chưa thể đủ bù lỗ được, bởi ngày sau đợt giảm thuế thì giá xăng dầu trong nước vẫn lỗ từ 370-840 đồng tùy từng mặt hàng.

Còn tại thời điểm hiện nay, mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành rất cao, nhiều mặt hàng doanh nghiệp đang lỗ gần 2.200 đồng/lít.

Trong khi đó, thị trường xăng dầu thế giới hơn một tuần qua liên tiếp xác lập kỷ lục mới, hiện giá xăng A92 thành phẩm trong 30 ngày qua đã tăng lên xấp xỉ 128 USD/thùng, dầu diesel thành phẩm cũng tăng lên gần 138 USD/thùng.

"Đã có hiện tượng đổ dồn vào mua xăng của Petrolimex, nếu không có các biện pháp kịp thời sẽ lặp lại kịch bản như đầu năm 2011," ông Dũng lo ngại.

Đứng trước tình hình trên, ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh, để đảm bảo mục tiêu kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, liên Bộ tài chính-công thương sẽ có cuộc họp ngay trong tháng Ba này để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối.

"Câu chuyện giá, phí chủ trì là Bộ tài chính và biện pháp tăng giá, giảm thuế, giảm phí chỉ là một trong các biện pháp, còn lâu dài phải tiến tới việc vận hành theo cơ chế thị trường," ông Quyền nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2009 ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu để tăng cường trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời phối hợp Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu (giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý...) phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo không để gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục