'Không để tăng thêm thủ tục hành chính trong nông nghiệp'

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng thủ tục hành chính không phải là bất biến, do đó các đơn vị phải liên tục rà soát cắt giảm, dư địa để cắt giảm thủ tục hành chính của ngành nông nghiệp vẫn còn.
'Không để tăng thêm thủ tục hành chính trong nông nghiệp' ảnh 1Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Tại Hội nghị Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hải Phòng sáng 26/7, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục được triển khai đồng bộ trên các nội dung cải cách hành chính từng bước tạo sự chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành theo hướng kiến tạo, phục vụ.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu người chỉ đạo đứng đầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm các thủ tục hành chính đã được cắt giảm.

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường kiểm tra, giám sát để việc thực hiện ấy đảm bảo đúng yêu cầu, mục đích.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng thủ tục hành chính không phải là bất biến, do đó các đơn vị phải liên tục rà soát cắt giảm. Dư địa để cắt giảm thủ tục hành chính của ngành nông nghiệp vẫn còn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tổ công tác tiếp tục rà soát, đặc biệt là giám sát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

Điển hình là việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi phải có sự kiểm soát chặt chẽ, không để tăng thêm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh hay các yêu cầu về giải trình không cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp nhất là đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước, ngày 1/3/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 700/QĐ-BNN-VP Ban hành Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (thay thế Quyết định số 63/QĐ-BNN-PC ngày 11/01/2016) với tổng số 386 thủ tục hành chính; trong đó 248 thủ tục hành chính cấp trung ương, 106 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 18 thủ tục hành chính cấp huyện, 8 thủ tục hành chính cấp xã và 6 thủ tục hành chính cơ quan khác.

Ông Nguyễn Hồng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá 83 thủ tục hành chính, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 36/83 thủ tục hành chính; trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung 24 thủ tục hành chính, bãi bỏ 12 thủ tục hành chính.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng, thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đáp ứng yêu cầu quy định.

[Chương trình Xây dựng nông thôn mới về đích trước mục tiêu]

Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2673/QĐ-BNN-PC về việc công bố Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

'Không để tăng thêm thủ tục hành chính trong nông nghiệp' ảnh 2 Mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao của Công ty Delco, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa. Lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 điều kiện kinh doanh; đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh.

Hiện đại hóa hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện phát hành văn bản điện tử giữa các cơ quan của Bộ từ ngày 5/5/2019.

Ngày 19/1/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện thực hiện kết nối, liên thông giữa hệ thống Văn phòng điện tử của Bộ với Trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thiện giải pháp kết nối kỹ thuật với Trục văn bản quốc gia, cấu hình gửi nhận liên thông với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, 63 tỉnh thành phố, Văn phòng Trung ương Đảng trong gửi, nhận văn bản điện tử.

Từ ngày 1/6/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ký số toàn bộ các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền lãnh đạo Bộ ký gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia và phần mềm văn phòng điện tử.

Tính đến ngày 16/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 1.874 văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia và trên Văn phòng điện tử gần 2.000 văn bản phát hành của Bộ, đạt 96,6%.

Triển khai cơ chế một cửa quốc gia, đến thời điểm hiện tại, trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn/), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức kết nối 15 Thủ tục hành chính.

Hiện nay, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (https://dvc.mard.gov.vn), Bộ đã hoàn thành cung cấp trên 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn phải thực hiện cả bản giấy và điện tử.

Bởi doanh nghiệp gặp khó trong sử dụng bản chứng nhận kiểm dịch điện tử khi các đơn vị kiểm tra trong nước lại không chấp nhận bản điện tử. Do đó, đề nghị Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong nước cũng phải thực hiện đồng bộ, chấp nhận bản điện tử.

Tuy đạt được những kết quả nhất định về cải cách hành chính nhưng, theo ông Nguyễn Hồng Giang, một số đơn vị còn chậm công bố thủ tục hành chính.

Một số nội dung triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn chậm do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất; việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm.

Vẫn còn tình trạng lỗi phần mềm trên hệ thống một cửa quốc gia và hệ thống dịch vụ công trực tuyến dẫn đến kết quả thống kê số hồ sơ trả lời quá hạn thiếu chính xác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục