Không hoàn thành giải ngân vốn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: đến hết ngày 30/9 tới, nếu đơn vị, địa phương nào không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Không hoàn thành giải ngân vốn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Đến hết ngày 30/9 tới, nếu đơn vị, địa phương nào không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm.

Đó là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tại cuộc họp kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay, tổ chức ngày 2/7.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm nay tỉnh An Giang được giao là 5.644,315 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2020 được kéo dài chuyển sang năm 2021 là 604,133 tỷ đồng; lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng Sáu năm 2021 là 821,176 tỷ đồng, đạt 19,98% kế hoạch vốn đã giao và đạt 14,55% tổng vốn kế hoạch giao trong năm.

"Đây là kết quả thấp nhất từ trước đến nay của tỉnh An Giang, so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn 25,53% (cùng kỳ năm 2020 đạt 40,08%). Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong 6 tháng năm 2021 của tỉnh," Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình phân tích.

[An Giang thực hiện nhiều chính sách mới thu hút đầu tư]

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt thấp có nhiều nguyên nhân; trong đó, một phần là do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại, việc phòng, chống dịch được siết chặt đã ảnh hưởng đến khả năng huy động nhân công, làm gián đoạn việc cung cấp thiết bị. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn.

Mặt khác, việc dồn sức, tâm trí cho phòng, chống dịch nên một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Bên cạnh đó, An Giang hiện vẫn còn 30% kế hoạch vốn chưa thể phân bổ cho các dự án khởi công mới vì chưa đảm bảo đủ điều kiện, thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật Đầu tư công, phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có thể phân bổ.

Cùng đó, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu. Một số dự án, nhất là ở các lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ triển khai thi công…

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong các tháng còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2021, tạo ra nguồn động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt từ 95-100%.

Các chủ đầu tư phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021. Do đó, cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã phải triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các rào cản, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu đến hết ngày 30/9 tới giải ngân vốn đầu tư công đạt 60% kế hoạch vốn giao đầu năm.

Không hoàn thành giải ngân vốn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ảnh 2Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

“ Đến hết ngày đến hết ngày 30/9 tới, sở, ngành, địa phương, đơn vị nào không giải ngân đạt tiến độ, để bị điều chuyển, thu hồi vốn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư An Giang, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh An Giang diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, cùng sự tập trung chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Ước tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,79%, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng trưởng này cao hơn mức bình quân chung của cả nước và đứng thứ 5 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 6-6,5% trong năm 2021, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh An Giang Nguyễn Duy Toàn cho rằng thời gian còn lại của năm 2021, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh; Ủy ban Nhân dân tỉnh cần điều hành linh hoạt tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thu hút, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn nhất là hồ sơ, thủ tục liên quan đến hồ sơ thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai nhanh dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục