Không khen thưởng người đứng đầu và đơn vị để xảy ra phá rừng

Năm 2020, do để xảy ra các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng có tính chất phức tạp, nổi cộm, 6 tập thể, 119 cá nhân trong các cơ quan đơn vị, địa phương tại Lâm Đồng bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
Không khen thưởng người đứng đầu và đơn vị để xảy ra phá rừng ảnh 1Một vụ phá rừng ở Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Chiều 8/1, tại giao ban báo chí tháng 1/2021, người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ngô Văn Ninh cho biết tỉnh sẽ siết chặt khâu xét đánh giá thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị.

Đối với những người đứng đầu, các đơn vị, địa phương để xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng, tỉnh sẽ kiên quyết không khen thưởng.

Theo người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh, trong tháng 12/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều biện phát siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bởi vậy, số vụ vi phạm có giảm đi nhưng chưa đáng kể.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, công tác thi đua khen thưởng các sở, ngành, địa phương sẽ gắn chặt với việc xem xét kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm. Nếu trong 3 năm không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ xử lý người đứng đầu đơn vị đó. Từ năm 2021 trở đi, tỉnh Lâm Đồng sẽ dần siết chặt các quy chế, chế tài đối với người đứng đầu trong chỉ đạo đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.

[Yêu cầu xác minh thông tin TTXVN phản ánh về phá rừng ở Lâm Đồng]

Theo Báo cáo số 508 ngày 31/12/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, năm 2020, do để xảy ra các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng có tính chất phức tạp, nổi cộm, 6 tập thể, 119 cá nhân trong các cơ quan đơn vị, địa phương bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Trong số đó, 3 chủ rừng, 1 cán bộ kiểm lâm bị cảnh cáo; 34 cá nhân bị khiển trách; 84 trường hợp (5 chủ rừng, 1 chính quyền cấp xã, 78 cá nhân) bị phê bình nhắc nhở.

Các cơ quan chức năng cũng khởi tố 2 cá nhân thuộc đơn vị chủ rừng; cho thôi việc 1 cá nhân thuộc đơn vị chủ rừng. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã phát hiện 680 vụ vi phạm với diện tích rừng bị thiệt hại 45,59ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 2.472m2. So với năm 2019, con số này giảm 54 vụ, diện tích thiệt hại giảm 11,8ha; tỷ lệ số vụ chưa xác định đối tượng vi phạm là 48%, bằng năm 2019…

Ông Ngô Văn Ninh cho biết hiện các đơn vị có liên quan và huyện Đức Trọng đang cương quyết triển khai xử lý vụ “Làng biệt thự lấn chiếm đất rừng dưới chân núi Voi” ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng được báo chí thông tin trong tháng 10/2020.

Trong tổng số 55 căn nhà xây dựng trái phép trong khu vực này, có 13 công trình kiên cố. Hiện, các cơ quan chức năng đã tháo dỡ 12/13 công trình kiên cố; trong đó có 9 công trình chủ đầu tư tự tháo dỡ, 3 công trình phải cưỡng chế, 1 công trình đang tiếp tục xử lý.

Tinh thần chỉ đạo của chính quyền là tiếp tục cương quyết xử lý các công trình còn lại trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục