Hà Nội nóng từng ngày trước "giờ G" của các sĩ tử

Không khí Hà Nội nóng trước "giờ G" của các sĩ tử

Không chỉ bến xe, nhà ga, cổng trường đại học, mà nhiều nơi thờ tự như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ cũng chật ních các sĩ tử.
Hai ngày trước đợt thi đầu tiên của kỳ tuyển sinh đại học-cao đẳng năm 2010, số lượng thí sinh và người nhà từ các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội đông nghịt.

Không chỉ các bến xe, nhà ga, cổng trường đại học, mà nhiều nơi thờ tự từ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn đến chùa Hà, Phủ Tây Hồ cũng chật ních người vào ra, khiến không khí của kỳ thi quan trọng bậc nhất trong năm học này càng lúc càng thêm “nóng.”

Văn Miếu - nơi "nóng" nhất

Ngay từ sáng sớm, khu vực xung quanh Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã nóng lên. Người chờ xếp hàng mua vé vào cổng, người đợi gửi xe đông nghịt khiến giao thông luôn trong tình trạng tắc nghẽn.

Ông Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho hay nhiều năm gần đây, vào các đợt tuyển sinh đại học, lượng khách đến khu di tích luôn tăng đột biệt, cao điểm có ngày lên tới 3 vạn lượt, trong đó đa phần là học sinh và phụ huynh từ các tỉnh về Hà Nội dự thi.

Năm nay, trung tâm phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, công nhân viên khoảng 80 người làm việc từ 7 giờ sáng đến 17 giờ 30 chiều, phục vụ các hoạt động bán vé, soát vé, hướng dẫn, giữ gìn trật tự trong khu di tích.

Phía ngoài khu di tích còn có lực lượng công an và Ban tự quản phường hỗ trợ thêm.

Về vấn đề bảo vệ các tấm bia tiến sĩ vừa được công nhận Di sản Tư liệu thế giới trước vấn nạn “xoa đầu rùa, sờ bia,” Giám đốc Văn Miếu cho biết quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, bởi với lượng khách quá đông, dù có áp dụng các biện pháp cũng không thể kiểm soát được.

Hai điểm được coi là “nóng” nhất của Văn Miếu là khu nhà bia và điện Đại Thành nơi đặt ban thờ và tượng Khổng Tử. Tại đây, sinh viên tình nguyện và nhân viên trung tâm liên tục phải giải thích, nhắc nhở từ chuyện xoa đầu rùa đến chuyện không thắp hương quá nhiều, gây khói mù mịt, ảnh hưởng đến di tích.

Mồ hôi chảy ròng ròng trên gương mặt, Phạm Quốc Phương, sinh viên năm thứ nhất đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết với nhiệm vụ “canh” tại khu nhà bia, bạn rất thông cảm với sự lo lắng của thí sinh và người nhà trước kỳ thi quan trọng nên khi nhắc nhở cũng rất nhẹ nhàng, tránh gây bức xúc cho thí sinh.

Gần 7.000 thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi

Từ ngày 28/6, tại các bến xe, nhà ga, các địa điểm thi, nút giao thông trọng điểm, khu dân cư có nhà trọ cho thuê, 16 đội hình chuyên, với gần 7.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện Hà Nội bắt đầu ra quân tham gia các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thí sinh và người nhà, phát tặng bản đồ, giữ gìn trật tự giao thông.

Lực lượng thanh niên tình nguyện tập trung hoạt động vào ba đợt trọng điểm, đợt 1 từ ngày 28/6-5/7, đợt 2 từ ngày 5-10/7 và đợt 3 từ 10-16/7.

Thành đoàn Hà Nội còn tổ chức các chương trình tư vấn qua máy tính.

Tại ga Hà Nội và các bến xe Yên Nghĩa, Giáp Bát, Long Biên, Lương Yên, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm luôn có từ 30 đến 50 sinh viên tình nguyện của các trường đại học tham gia các hoạt động tư vấn tìm kiếm nhà trọ, hướng dẫn giao thông.

Riêng hai bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát - những điểm trung chuyển hành khách lớn nhất của Thủ đô, lực lượng sinh viên tình nguyện được huy động lên tới 70 sinh viên mỗi bến.

Ở một số bến xe còn có các đội tình nguyện đồng hương Thanh Hóa và Nam Định tham gia trợ giúp thí sinh.

Tại bến xe Mỹ Đình, Huyện đoàn Từ Liêm tổ chức Đội xe tình nguyện “Áo xanh chở ước mơ hồng” gồm 90 đoàn viên, thanh niên sức khỏe tốt, thành thạo địa hình đến từ 16 xã, thị trấn trong huyện.

Anh Hà Văn Hải, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết đội xe hoạt động liên tục mỗi ngày hai ca cho đến hết kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳn, chuyên chở miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh thuộc gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đến các điểm thi trên địa bàn huyện Từ Liêm và các vùng lân cận./.

Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục