Trang mạng rebelion.org nhận định, tại Mỹ Latinh - khu vực với diện tích đất canh tác rộng lớn, khí hậu thuận lợi và một nền nông nghiệp tương đối phát triển, người dân lại đối diện với nạn đói.
Tình trạng mất an ninh lương thực
Theo số liệu thống kê mới nhất của một số cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, tình trạng mất an ninh lương thực tại khu vực này đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ năm 2000, với 59,7 triệu người trong tình trạng đói và 267 triệu người không được đảm bảo lương thực.
Chỉ trong giai đoạn 2019-2020, số người chịu nạn đói tại khu vực này đã tăng gần 40%, tương đương 13,8 triệu người.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO, thuộc Tổ chức Y tế thế giới - WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cảnh báo đây là một trong những hệ quả kinh tế-xã hội to lớn nhất mà đại dịch COVID-19 gây ra cho Mỹ Latinh và khu vực Caribe.
Những tháng ròng giãn cách và hạn chế đi lại kéo dài đã ảnh hưởng tới những người lao động không có việc làm chính thức - vốn chiếm tỷ lệ cao tại khu vực - và hệ quả là tỷ lệ mất an ninh lương thực tăng mạnh.
[Đại dịch COVID-19 khiến nạn đói gia tăng kỷ lục tại Mỹ Latinh]
Với bối cảnh an ninh lương thực và dinh dưỡng của khu vực trong năm 2021, chỉ số phổ quát nạn đói trong khu vực hiện đang ở mức 9,1%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc 4/10 người dân trong khu vực, tương đương 267 triệu người, đang trong tình trạng mất an ninh lương thực từ cấp độ tương đối cho tới nghiêm trọng trong năm 2020, tăng 60 triệu người so với năm 2019.
Tại Nam Mỹ, chỉ số phổ quát mất an ninh lương thực ở các mức độ khác nhau tăng 20,5% trong giai đoạn 2014-2020, trong khi vùng Mexico và Trung Mỹ tăng 7,3 điểm phần trăm trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu ăn trầm trọng, chỉ số người đói ăn thường xuyên hoặc từng trải qua hơn một ngày không có thức ăn, đã lên đến 14% dân số trong năm 2020, tương đương 92,8 triệu người. Con số này tăng mạnh so với năm 2014, khi tình trạng này chỉ tác động đến 47,6 triệu người.
Bên cạnh đó, tình trạng tiêu cực này không tác động đồng đều tới nam giới và nữ giới, khi tính trong năm, tỷ lệ nữ giới mất an ninh lương thực tại Mỹ Latinh là 41,8%, trong khi ở nam giới chỉ là 32,2%. Khoảng cách này đã tăng đều đặn trong những năm qua và chỉ riêng trong năm đầu đại dịch đã tăng từ mức 6,4 điểm phần trăm lên 9,6 điểm phần trăm như hiện tại.
Đại diện của FAO tại khu vực Julio Berdegue đã thẳng thắn nhận xét: “Mỹ Latinh và Caribe đối diện với tình trạng nguy kịch trong khía cạnh an ninh lương thực. Số lượng người chịu đói tại khu vực này đã tăng 79% trong giai đoạn 2014-2020.” Ông Berdegue cũng nhấn mạnh xu hướng này vốn đã bắt đầu từ năm 2014 và bị đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm.
Đáng chú ý xu hướng mất an ninh lương thực gia tăng trong khi tình trạng lãng phí thực phẩm vẫn không được cải thiện. Theo ước tính của FAO ở cấp độ toàn cầu, nhân loại đang lãng phí từ 14-17% lượng lương thực từ sản xuất, chiếm tới 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhưng một số chuyên gia còn cho rằng những khảo sát này vẫn chưa đánh giá đúng quy mô lãng phí lương thực của người tiêu dùng và số thực phẩm bị lãng phí thậm chí có thể còn cao gấp đôi con số trên.
Mặc dù các cơ quan Liên hợp quốc không nắm được con số cụ thể của cả Mỹ Latinh và từng nước trong khu vực, nhưng các chuyên gia nhà đánh giá kể cả trong trường hợp tỷ lệ tại khu vực tương đương với mức thế giới thì đây cũng là con số “không thể chấp nhận” trong bối cảnh an ninh lương thực vẫn là một trong những thách thức to lớn nhất cho các nước Mỹ Latinh như hiện tại.
Về các quốc gia cụ thể, báo cáo nhấn mạnh việc Guatemala có tới gần một nửa dân số trong tình trạng mất an ninh lương thực, trong khi tại 2 nước láng giềng Trung Mỹ El Salvador và Honduras, các con số cũng “ấn tượng” không kém khi số người thiếu ăn cũng lần lượt ở mức 47% và 46% tổng dân số mỗi nước.
Đây cũng là 3 nước xuất phát điểm của các đoàn người di cư bộ hành tới biên giới phía Nam nước Mỹ. Tại Nam Mỹ, Argentina là nước có mức gia tăng đáng báo động nhất về tình trạng mất an ninh lương thực, với hiện khoảng hơn 1/3 dân số không đủ ăn, hệ quả của tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài và bóng ma lạm phát phi mã ám ảnh.
Thập kỷ mất mát
Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC), tỷ lệ nghèo và dưới nghèo năm 2020 tại Mỹ Latinh vẫn ở mức cao, đồng thời các chỉ số về bất bình đẳng, thất nghiệp, tỷ lệ tham gia lao động - đặc biệt là ở nữ giới - đều chuyển biến xấu hơn trong đại dịch COVID-19, bất chấp các biện pháp bảo vệ xã hội khẩn cấp mà các nước trong khu vực ban hành nhằm ngăn chặn xu hướng tiêu cực.
210 triệu người dân Mỹ Latinh, tương đương 34% dân số, đang sống trong cảnh nghèo đói do đại dịch và các chính sách mới. Trong số này, 78 triệu người còn sống thậm chí dưới chuẩn nghèo, mức tồi tệ nhất trong 20 năm qua.
Số lượng này tương đương với 12,5% dân số Mỹ Latinh, tăng 1 điểm phần trăm so với trước đó chỉ một năm và hơn tới gần 5 điểm phần trăm so với chỉ số 7,8% năm 2014, mức thấp nhất từng ghi nhận được tại khu vực.
Đây là những thống kê vào cuối năm 2020 và chưa bao gồm tình trạng suy thoái xã hội liên tục trong năm 2021, và ECLAC cũng cho biết thậm chí có tới 80% dân số Mỹ Latinh nằm trong diện những thành phần xã hội dễ bị tổn thương.
Một lần nữa, các nước Trung Mỹ lại gây sự chú ý khi có tới 3 quốc gia tại khu vực này nhằm trong số các nước có tỷ lệ nghèo cao nhất khu vực, gồm Honduras (57,8%), Nicaragua (55,7%) và Guatemala (50,9%). Trước đại dịch COVID-19, Mỹ Latinh đã trải qua 5 năm liên tục gia tăng tỷ lệ nghèo, và virus SARS-CoV-2 đã làm trầm trọng thêm xu hướng đáng lo ngại này.
Đồng thời, đa phần các nước Mỹ Latinh sẽ còn tiếp tục trải qua xu hướng gia tăng bất bình đẳng thu nhập, một vấn đề vốn luôn nhức nhối của khu vực: Những người chịu thiệt thòi nhất trong đại dịch, xét về mặt vật chất, đang và sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất trong quá trình tái bình thường hóa đời sống kinh tế-xã hội. Mức độ bất bình đẳng của Mỹ Latinh năm 2020, tính theo hệ số Gini, đã tăng 5,6% so với năm 2019.
Theo Thư ký điều hành ECLAC Alicia Bárcena, Mỹ Latinh sẽ phải mất một thập kỷ để khắc phục hệ quả xã hội này, ngay cả khi kinh tế khu vực có dấu hiệu khởi sắc năm 2021 và có thể quay trở lại mức trước đại dịch sau 2 năm nữa trong một kịch bản khả quan nhất. Theo dự báo mới nhất của ECLAC, kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 2,9% vào năm 2022, còn thấp hơn cả mức ước tính cho năm nay.
Các đồng tác giả của báo cáo tổng thể này đưa ra khuyến cáo rằng những vấn đề cấu trúc từng hạn chế tăng trưởng của khu vực này trước đại dịch đã bộc lộ và trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn dịch bệnh và sẽ còn tác động xấu tới quá trình hồi phục hoạt động kinh tế và các thị trường lao động.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng khiến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tại Mỹ Latinh và Caribe từ trước đó trở nên tồi tệ hơn, đòi hỏi các nước trong khu vực phải có những hành động khẩn cấp để cải cách nền nông nghiệp và hệ thống sản xuất-phân phối lương thực của mình theo hướng hiệu quả, bền vững và phổ quát hơn./.