Tỷ lệ đói nghèo tại Thụy Sĩ đạt mức cao nhất kể từ năm 2014

Tỷ lệ người sống trong cảnh nghèo đói tại Thụy Sĩ đã chạm mốc kỷ lục trong năm 2019 và tình trạng này còn tồi tệ hơn kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát
Tỷ lệ đói nghèo tại Thụy Sĩ đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest)

Ngày 18/2, Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sĩ công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ những người sống dưới ngưỡng nghèo ở nước này đã tăng 8,7% vào năm 2019 - mức cao nhất kể từ năm 2014.

Như vậy, tình trạng nghèo đói đã ảnh hưởng đến 735.000 người trong năm trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan tới quốc gia với 8,5 triệu dân này

Trong số những người thuộc diện nghèo đói, 155.000 người đang làm việc có thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo trong dân số lao động là 4,2%. Con số thống kê khiến tổ chức bảo trợ người lao động Travail Suisse đánh giá là "thật sự gây sốc."

Báo cáo cũng tiết lộ rằng cứ 1 trong 8 người (tương đương 12%) nói rằng họ gặp khó khăn trong việc kiếm sống. Cứ 1 trong 5 người (gần 21%) sẽ không thể quản lý được khoản chi phí bất ngờ ước tính 2.500 CHF (2.786 USD) mỗi tháng.

Nhìn chung, mức sống ở Thụy Sĩ vẫn vào loại đắt đỏ nhất thế giới. Theo văn phòng thống kê, mức thu nhập ổn định trung bình vào khoảng 50.000 CHF mỗi năm.

Như những năm trước, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do nghèo đói là người nước ngoài, các hộ gia đình đơn thân, những người không tiếp tục học sau giáo dục bắt buộc và những người không có việc làm.

Báo cáo không tính đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bắt đầu ở Thụy Sĩ vào đầu năm 2020. Travail Suisse tin rằng đại dịch sẽ làm vấn đề đói nghèo thêm trầm trọng. Các biện pháp hạn chế, bao gồm việc đóng cửa do chính phủ áp đặt để ngăn chặn dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

[Tỷ lệ thất nghiệp của Thụy Sĩ lên mức cao nhất trong một thập kỷ]

Trong khi đó, chính phủ Thụy Sĩ thông báo nước này đã chạm mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cụ thể, các số liệu mới được công bố cho thấy ngân sách đã thâm hụt tới 15,8 tỷ CHF (tương đương 17,6 tỷ USD).

Theo Chính phủ Thụy Sĩ, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch khiến kinh tế suy giảm kéo theo nguồn thu ngân sách thấp hơn, trong khi chi tiêu ngân sách bổ sung lại gia tăng để giảm thiểu những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngân sách chính phủ của Thụy Sỹ năm 2019 thặng dư 3,6 tỷ CHF và ngân sách năm 2020 ban đầu cũng được dự tính sẽ thặng dư 334 triệu CHF.

Tuy nhiên, kinh tế suy giảm vì đại dịch COVID-19 khiến nguồn thu từ thuế giảm 3,4% trong năm 2020, trong khi chính quyền liên bang phải chi thêm tới hơn 15 tỷ CHF phòng chống dịch bệnh.

Chính phủ Thụy Sĩ đánh giá tình hình suy giảm kinh tế trong năm 2020 không nghiêm trọng như dự báo trước đó. Trong năm 2021, chính phủ đã đề xuất lên quốc hội 8 gói tín dụng bổ sung trị giá 14,3 tỷ CHF để hỗ trợ chống dịch bệnh.

Thâm hụt tài chính được dự báo có thể lên tới 20 tỷ CHF vào năm 2021 và trở về trạng thái cân bằng hoặc được cải thiện hơn trong giai đoạn 2022-2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục