Khủng hoảng Ukraine buộc Mỹ phải cân nhắc chi tiêu quốc phòng

Tổng ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ sẽ lên tới 800 tỷ USD, mang lại cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ một nguồn thu sau khi dịch COVID-19 làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng ngành hàng không vũ trụ.
Khủng hoảng Ukraine buộc Mỹ phải cân nhắc chi tiêu quốc phòng ảnh 1Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, nhiều thành viên Đảng Dân chủ cho rằng quyền kiểm soát của đảng này đối với Nhà Trắng và Quốc hội sẽ tạo cơ hội để kiểm soát chi tiêu quân sự của Mỹ, vốn đã tăng 140% kể từ năm 2000, đồng thời tăng cường các chương trình xã hội mà họ cảm thấy đã bị lãng quên.

Sau đó, các xe tăng Nga tiến vào Ukraine, tạo ra sức ép làm tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc, và không chỉ cho năm tới. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tim Kaine nói: “Thế giới đã không hợp tác.”

Tháng này, Quốc hội Mỹ đã thông qua mức tăng chi tiêu quốc phòng gần 6% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lực lượng khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021 sau 20 năm chiến tranh.

Ông Kaine cho biết Nga và Trung Quốc đều là mối quan tâm của Mỹ. Trao đổi với hãng Reuters, ông nói: "Việc chuyển đổi mối đe dọa chính từ các tổ chức khủng bố phi nhà nước sang các quốc gia - và hai mối đe dọa lớn - sẽ đòi hỏi mức đầu tư lớn và một số khoản chi cho trang bị quân sự."

Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng luôn là một vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Củng cố quân đội hùng mạnh là một lĩnh vực truyền thống của thỏa thuận lưỡng đảng, trong khi các nhà thầu quốc phòng cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ với tư cách là một ngành công nghiệp tiên tiến hàng đầu, cùng vai trò tuyển dụng và là nhà tài trợ chính cho các chiến dịch quân sự.

Trong năm đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đệ trình một bản ngân sách, theo đó giữ chi tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ cơ bản ở mức ổn định. Quốc hội Mỹ thì ủng hộ tăng ngân sách ngay từ trước khi chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược nước láng giềng Ukraine hồi tháng 2 vừa qua.

[Mỹ thông qua luật chi tiêu quốc phòng, tăng mua máy bay và tàu chiến]

Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, đã hy vọng về việc cắt giảm ngân sách mà ông cho là quá mức của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, trong một phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ vào tháng này, ông cho biết điều đó đã thay đổi. Ông nói: "Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm thay đổi cơ bản tình hình an ninh quốc gia và quốc phòng của chúng ta. Nó khiến mọi việc phức tạp hơn và tốn kém hơn.”

Các nhà phân tích, các nghị sỹ cho biết việc tăng chi tiêu có thể sẽ tiếp tục ngay cả khi những lo ngại cấp bách nhất về tham vọng của Nga đã chấm dứt. Valerie Shen, Giám đốc chương trình An ninh Quốc gia tại Third Way, một tổ chức có tư tưởng trung tả ở Washington, nói: “Đừng bao giờ bỏ qua một cuộc khủng hoảng… Hãy tận dụng nó như một lý lẽ để đạt được lập trường chính sách mà bạn hằng mong muốn.”

Gia tăng dài hạn

Tháng vừa qua, các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Đức đã tăng chi tiêu quân sự. Washington dự kiến sẽ tiếp tục tăng chi tiêu để hỗ trợ bất kỳ cuộc kháng chiến nào của Ukraine cũng như hỗ trợ các đồng minh bị Nga đe dọa nhiều nhất.

Todd Harrison, nhà phân tích ngân sách quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: "Tôi có thể thấy Mỹ đang gia tăng sự hiện diện của mình ở châu Âu. Đó có thể là sự gia tăng vĩnh viễn về chi tiêu quốc phòng" hoặc các lệnh triển khai tạm thời.

Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ công bố đề xuất về ngân sách tài khóa 2023 vào ngày 28/3 tới. Chuyên gia Harrison suy đoán rằng Quốc hội Mỹ - cơ quan kiểm soát ngân sách liên bang - có thể tăng thêm từ 20-30 tỷ USD cho bất cứ yêu cầu nào của Tổng thống Biden.

Tổng ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ sẽ lên tới 800 tỷ USD, mang lại cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ một nguồn thu sau khi đại dịch COVID-19 làm tắc nghẽn các chuỗi cung ứng trong ngành hàng không vũ trụ và sản xuất vi mạch, đồng thời làm giảm doanh số bán hàng.

Thượng nghị sỹ Richard Shelby, thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, cho biết còn quá sớm để xác định được tổng số tiền mà Quốc hội Mỹ có thể chi cho quân đội, đặc biệt là trước tình hình phức tạp ở Ukraine.

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters, ông nói: "Chúng ta không bao giờ nên quay lưng lại với những người đấu tranh cho tự do."

Chỉ số Quốc phòng Mỹ Dow Jones - chỉ số xác định cổ phiếu của các nhà thầu quốc phòng - đã tăng gần 14% kể từ ngày 24/2, thời điểm Nga xâm lược Ukraine, hành động mà Moskva gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt.”

Các nhà thầu quốc phòng lớn nhất có trụ sở tại Mỹ là Lockheed Martin, Raytheon Technologies, Boeing, Northrup Grumman và General Dynamics.
Năm ngoái, các thành viên tiến bộ của Đảng Dân chủ đã gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo đảng này tăng chi tiêu cho các ưu tiên phi quốc phòng như chống biến đổi khí hậu; giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp trong việc chăm sóc trẻ em; và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Các nhà lập pháp muốn giảm bớt sự gia tăng chi tiêu quân sự cho biết họ sẽ nỗ lực không ngừng để hướng tới mục tiêu này, mặc dù không tỏ ra lạc quan.

Đại diện Đảng Dân chủ Jim McGovern, Chủ tịch Ủy ban Luật pháp Hạ viện Mỹ và là thành viên của Progressive Caucus, cho biết ông ủng hộ Ukraine nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc liên tục tăng ngân sách quốc phòng.

Sau bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người kêu gọi thêm sự giúp đỡ khiến một số nghị sỹ cảm động, McGovern nói: "Tôi khuyến khích chúng ta nên có cái nhìn nghiêm túc hơn về chi tiêu của Lầu Năm Góc nói chung. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn tách biệt với những gì đang xảy ra ở đó (Ukraine)"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục