Kịch bản Brexit 'không thỏa thuận' ngày càng đến gần với nước Anh

Giới quan sát bày tỏ lo ngại rằng khả năng Brexit "cứng" - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - đang ngày càng gia tăng khi cả hai ứng cử viên đều đề cập tới đó như "triển vọng thực tế."
Kịch bản Brexit 'không thỏa thuận' ngày càng đến gần với nước Anh ảnh 1Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và cũng là Thủ tướng Anh giữa hai ứng cử viên Boris Johnson và Jeremy Hunt đã kết thúc tối muộn 17/7 tại London.

Giới quan sát bày tỏ lo ngại rằng khả năng Brexit "cứng" - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - đang ngày càng gia tăng khi cả hai ứng cử viên đều đề cập tới đó như "triển vọng thực tế."

Cộng đồng doanh nghiệp và nhiều nhà lập pháp đều tỏ ra lo ngại những hậu quả kinh tế khủng khiếp từ một kịch bản Brexit không thỏa thuận, điều sẽ dẫn đến thuế quan bị áp ngay lập tức cho một số lĩnh vực, trong đó có ngành ôtô.

Tại buổi thuyết trình cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử, mỗi ứng viên có 45 phút diễn thuyết và trả lời các câu hỏi trước các thành viên đảng Bảo thủ. Cả hai ứng cử viên đều có quan điểm giống nhau là nước Anh dứt khoát sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới.

Theo thông báo, kết quả bỏ phiếu của đảng Bảo thủ sẽ được công bố vào ngày 23/7 tới.

Sau đó một ngày, Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ xác nhận người trở thành nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ mới vào ngày hôm sau.

Trong phần trình bày của mình, ông Boris Johnson khẳng định lập trường Brexit "cứng," tự tin cho rằng ở cương vị Thủ tướng ông sẽ có các cuộc thảo luận với EU về một thỏa thuận Brexit mới vì ông có "nhiều người bạn tốt" tại EU.

Vấn đề liệu ông Johnson có tìm cách thực hiện Brexit không thỏa thuận mà không thông qua Hạ viện hay không hiện giờ vẫn là ẩn số.

Ông Johnson cho rằng kế hoạch chốt chặn nhằm tránh đường biên giới cứng trên đảo Ireland là điều không thể chấp nhận vì sẽ làm Anh rơi vào thế bị động trước EU và bị kẹt trong liên minh thuế quan với EU lâu dài.

Về phần mình, ông Jeremy Hunt cho biết mình là người theo tư tưởng dân chủ và đây chính là nền tảng để ông thực hiện Brexit theo ý nguyện của cử tri Anh.

Ông Hunt tin rằng ông hoàn toàn có khả năng để tiến hành thương thuyết với EU về thỏa thuận rút khỏi EU mới vì ông có kinh nghiệm của một nhà đàm phán.

Ông cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm sẽ không tạm ngừng Quốc hội, một cách để tránh phải đưa thỏa thuận Brexit thông qua tại Hạ viện, để thực hiện Brexit không thỏa thuận.

Về vấn đề đường biên giới cứng trên Ireland, ông Hunt có quan điểm tương tự như ông Johnson.

[Ứng cử viên Thủ tướng Anh cam kết sẽ đàm phán lại thỏa thuận Brexit]

Vấn đề đường biên giới Ireland vẫn là một trở ngại chính cho quá trình Brexit. Biện pháp "chốt chặn" được dự kiến sẽ giữ đường biên giới hậu Brexit giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland mở cửa, bất kể kết quả đàm phán về mối quan hệ tương lai giữa London và Brussels ra sao.

Nhưng cả hai ứng viên cho vị trí tân Thủ tướng Anh đều gạt bỏ biện pháp trên. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kiên quyết rằng biện pháp chốt chặn phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận "ly hôn" nào.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, người sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban châu Âu vào tháng 11/2019, cho biết dự thảo thỏa thuận Brexit trước đó mà khối này đàm phán với Thủ tướng Theresa May mang đến sự bảo đảm chắc chắn.

Bà cũng đề cập tới khả năng thời hạn ra đi của nước Anh có thể được lùi thêm, đồng thời bày tỏ rằng bà sẵn sàng gia hạn Brexit nếu quá trình này cần thêm thời gian vì một lý do chính đáng.

Còn trong một bài phát biểu gần đây tại London, bà May cho biết con đường tốt nhất đối với nước Anh là rời đi với một thỏa thuận.

Thủ tướng đương nhiệm của Vương quốc Anh đã công khai chống lại xu hướng "chủ nghĩa tuyệt đối" ở cả trong nước và ở nước ngoài, đồng thời thúc giục người kế vị của mình nên biết thỏa hiệp để đảm bảo con đường mà nước Anh lựa chọn là bền vững về lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục