Kịch bản cho lễ hồi táng Vua Lê Dụ Tông

Chuẩn bị đón Vua Lê Dụ Tông về an táng tại cố hương, toàn bộ long đồ đã được dòng họ Lê đặt làm theo nguyên mẫu tìm thấy trong quan tài.
Sau 45 năm được khai quật và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nếu không có gì thay đổi, vào ngày 26/11, tức ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch (ngày song thập) tới đây, thi hài vua Lê Dụ Tông sẽ được rước về hồi táng tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Việc làm phù hợp với đạo lý...

Có thể khẳng định rằng, việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về cố hương an táng là việc làm phù hợp với truyền thống, đạo lý và tâm linh của dân tộc Việt Nam nói chung cũng như của con cháu dòng tộc họ Lê nói riêng. Các cấp chính quyền, trong đó có tỉnh Thanh Hóa đều đồng thuận với dòng họ Lê trong việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông trở về hoàn táng tại quê hương.

Gần đây tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nơi mà trước đây người đã an nghỉ.

Như vậy cuối cùng dòng họ Lê cũng đã hoàn thành được tâm nguyện, mong được nghênh tiếp thi hài Đức Dụ Tông - Hòa Hoàng đế Lê Duy Đường (1705-1729) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử, về yên nghỉ tại quê nhà.

Vua Lê Dụ Tông sẽ được hồi táng như thế nào?

Đến thời điểm này, ngay cả lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng chưa thể khẳng định được lễ hồi táng vua Lê Dụ Tông sẽ diễn ra như thế nào; chỉ biết rằng đó sẽ là một nghi lễ xứng tầm với một bậc đế vương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Và nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thì lăng mộ Vua Lê Dụ Tông sẽ được xây dựng như lăng mộ các Hoàng đế nhà Lê ở Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Nhưng theo những nguồn tin riêng mà phóng viên tìm hiểu được, hiện nay, dòng họ Lê đang tiến hành các thủ tục chọn đất, đặt hướng, định ngày cũng như chuẩn bị một "kịch bản" chi tiết về cách thức tổ chức nghi lễ đón Vua Lê Dụ Tông về.

Một vị cao niên của dòng họ Lê cho biết, hiện nay, chiếc quan tài được đặt riêng cho Đức Vua đang được gấp rút chế tác tại một địa điểm bí mật ở Tây Nguyên. Các long đồ khâm liệm, gồm: 8 lớp đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc rộng 1,5m, dài 5m; tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải; áo Hoàng bào kim tuyến thêu một con rồng lớn phía trước, phía sau và tay áo thêu nhiều rồng nhỏ; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ vóc vàng may kép đính vào nhau thành một bộ. Ngoài ra còn 3 lớp lụa kép, 3 chiếc quần bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng, tất lụa, giày gấm thêu, khăn gấm thêu rồng phủ mặt cùng các loại túi gấm, quạt giấy… Tất cả những long đồ này được đặt làm ở Huế theo đúng với nguyên mẫu những đồ tùy táng tìm thấy trong quan tài của nhà Vua…

Lăng mộ của Vua Lê Dụ Tông sẽ được xây theo phương pháp thủ công truyền thống "trong quan ngoài quách", chiếc quách đặt quan tài được xây bằng hỗn hợp gạch non, vôi hàu, tro rơm nếp, mật mía và sử dụng nhiều vật liệu chống ẩm khác (than củi, gạo rang, chè búp khô)... Phương án bảo vệ lăng mộ của nhà Vua cũng được đề ra thật cụ thể. Thời gian xây dựng lăng mộ dự kiến khoảng ngày 26/10, tức ngày 9/9 âm lịch, sau khi có quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

Sau các nghi lễ được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thi hài Vua Lê Dụ Tông sẽ được đưa về Thanh Hóa, theo đường Hồ Chí Minh. Đoàn rước sẽ dừng lại ở khu di tích Lam Kinh nơi có lăng mộ của các đời Vua Lê trước, như một cử chỉ để nhà vua thăm viếng tổ tiên trước khi được hoàn táng tại xã Xuân Quang, huyện Quảng Thọ, cách Lam Kinh gần 20km.

Như vậy, sau 45 năm "tha hương", tới đây, lớp con cháu của Vua Lê Dụ Tông sẽ thành kính đón người về, để người mãi an giấc vĩnh hằng nơi cố hương.
 
Vua Lê Dụ Tông (1680-1731), có tên húy là Lê Duy Đường, thụy hiệu Hòa Hoàng Đế, miến hiệu Lê Dụ Tông, là vị vua thứ 22 của Vương triều Lê. Trong 24 năm trị vì đất nước, vua Lê Dụ Tông đã hai lần đổi niên hiệu là Vĩnh Thịnh (1705-1719) và Bảo Thái (1720-1729).

Theo ngọc phả của dòng họ Lê, sau khi băng hà, vua Lê Dụ Tông được táng tại Bố Vệ, Đông Sơn (thành phố Thanh Hóa ngày nay). Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vua Lê Dụ Tông được táng ở lăng Cổ Đô, Đông Sơn, Thanh Hóa, sau dời đi táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân và Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
 
Mãi đến khi một nông dân ở thôn Bái Trạch, làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, trong lúc đào vườn đã phát hiện một chiếc quách và các cơ quan chức năng bắt tay vào nghiên cứu mới khẳng định đây chính là nơi chôn cất chính thức của Vua Lê Dụ Tông (phát hiện năm 1958 và khai quật năm 1964). Cách ngôi mộ khoảng 10m, người ta còn tìm thấy một tấm bia khắc nhỏ chữ "Lê triều Dụ Tông Hoàng đế lăng". 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục