Theo trang mạng eastasiaforum.org, có lẽ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không có ý định châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc trong bài phát biểu của ông hôm 4/10 tại Viện Hudson, song cộng đồng chính sách toàn cầu đã khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, và họ cần được tha thứ.
Tất nhiên, những suy nghĩ và dự báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới không phải là điều mới mẻ. Nó đã được nêu ra trong giới an ninh ở Washington, và cảm giác "ớn lạnh" này còn được lan tỏa bởi một số nước đồng minh (của Mỹ) trong một thời gian.
Một loạt cố vấn và cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump như Steve Bannon, Peter Navarro, John Bolton và Robert Lighthizer đều là những người đề xuất việc tách rời chính trị và kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc ở một mức độ cực đoan, dù ít hay nhiều.
Câu chuyện về cuộc chiến tranh lạnh mới đã thu hút sự chú ý khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực và bắt đầu áp dụng kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chính phủ và khắp xã hội Trung Quốc.
Điều đó khiến nền chính trị Mỹ thay đổi rõ ràng khi đưa một thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Việc không thể đẩy lùi sự quyết đoán về quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và việc nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc chi phối hệ thống chính trị khiến cộng đồng chính sách Mỹ "sôi sục."
[Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Mỹ trừng phạt quan chức Tân Cương]
Chương trình nghị sự để đàm phán nhằm đảm bảo một nền tảng hiệu quả và công bằng hơn cho giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ chính trị-kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện những vấn đề thực sự.
Trung Quốc không còn là một nước nghèo, một nước đang phát triển khao khát trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà hiện giờ Trung Quốc đã là một nền kinh tế lớn với mức thu nhập trên trung bình, một "nhà kinh doanh" tầm cỡ lớn nhất trên thế giới.
Những vấn đề cần được ưu tiên cao nhất hiện nay - bao gồm việc giải quyết đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, trợ cấp công nghiệp và chính sách cạnh tranh - từng được đưa vào các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến một hiệp ước đầu tư song phương, nhưng hiện đang bị đình chỉ.
Ngoài ra, vấn đề tự do hóa thương mại và cải cách công nghiệp cũng không hề được chú trọng. Việc tham gia các vấn đề này không chỉ vì lợi ích của Mỹ và các nước khác, và còn vì lợi ích của Trung Quốc trong việc tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự cải cách mà nước này đã chỉ rõ là con đường hướng giúp bắt kịp với các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến và tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình."
Tất cả những điều này dường như đều có thể được đem ra thương lượng nếu như Tập Cận Bình và Donald Trump đồng ý dàn xếp chúng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế, cảnh báo: “Các biện pháp trừng phạt kinh tế chính là tiền tuyến của Chiến tranh Lạnh mới, không giống như cuộc đối đầu Mỹ-Liên Xô ngày trước. Dù vậy, cũng không thể phớt lờ sự leo thang quân sự bởi Mỹ và Trung Quốc đã sở hữu đủ tên lửa hạt nhân liên lục địa để phá hủy lẫn nhau, và bởi Mỹ sẽ không thể có đông binh lính hơn trong các trận đánh trên mặt đất thông thường, do đó, việc leo thang quân sự sẽ tập trung vào sức mạnh hải quân và các tên lửa siêu thanh tầm ngắn.”
Hufbauer lo ngại Mỹ sẽ đẩy mạnh cuộc chiến kinh tế với mục tiêu là đảm bảo một cuộc “ly hôn kinh tế” với Trung Quốc.
Mặc dù những lời phàn nàn từ chính quyền Trump chủ yếu tập trung vào thâm hụt thương mại liên tục của Mỹ với Trung Quốc và việc nước này chiếm đoạt công nghệ từ các công ty Mỹ, song câu chuyện thực sự chỉ đơn giản là Mỹ sợ Trung Quốc vượt mình về mặt kinh tế và công nghệ.
Hufbauer nhận thấy việc Mỹ nỗ lực không phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc và đóng chặt các mối quan hệ thương mại và công nghệ của Mỹ chỉ là trò chơi của kẻ thua cuộc.
Ông cho rằng một chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia mở rộng các liên kết công nghệ khoa học sẽ giúp Mỹ dẫn trước trong cuộc chơi, giảm thiểu rủi ro đẩy Trung Quốc đến mức mà nước này còn đặt ra một mối đe dọa lớn hơn, đồng thời cũng giúp tăng cường an ninh kinh tế và chính trị của Mỹ.
Tuy nhiên, ông đánh giá cơ hội của kết quả này là khá thấp và cho rằng cuộc chiến tranh lạnh mới hứa hẹn sẽ là một "di sản" lâu dài của Trump và Tập Cận Bình.
Henry Paulson, Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống George W Bush và là chuyên gia hàng đầu của Mỹ, cho rằng việc “ly hôn” sẽ dễ dàng hơn nếu bạn thực sự là một đôi. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn không phải là cặp đôi. Họ là một phần của nền kinh tế quốc tế được tích hợp trên nền tảng đa phương trong một quy mô chưa từng có, đặc biệt là ở châu Á.
Paulson cho rằng Mỹ có thể tiếp tục theo đuổi tiến trình "ly hôn" thông qua việc cắt giảm các dòng chảy thương mại, vốn và công nghệ, nhưng đó là một cái giá mà không quốc gia châu Á nào, bao gồm các đồng minh của Mỹ, có thể sẵn sàng chấp nhận.
Cái giá này là một chức năng của địa lý, của trọng lực kinh tế và của thực tế chiến lược, những thứ mà họ đang dựa vào mỗi ngày.
Nhiều quốc gia trên thế giới có thể có chung mối lo ngại hiện tại của Washington. Tuy nhiên, việc tách rời hay "ly hôn" Trung Quốc theo kiểu chiến tranh lạnh là một lựa chọn có nguy cơ làm bùng phát khủng hoảng kinh tế-chính trị và một mùa Đông băng giá trên toàn cầu./.