Kích cầu thị trường nội địa, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng hóa

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, việc đẩy mạnh các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại… là một trong những nhiệm vụ giúp kích cầu thị trường nội địa.
Kích cầu thị trường nội địa, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng hóa ảnh 1Nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các Chương trình Xúc tiến thương mại. (Ảnh: Vietnam+)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc kết nối cung-cầu, trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng Việt là một trong những giải pháp quan trọng góp phần kích cầu thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau giai đoạn dịch bệnh.

Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, việc Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các địa phương là hoạt động cần thiết và có giá trị thực tiễn rất cao.

[Thị trường nội địa: ‘‘Bệ đỡ’’ giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng]

Bên cạnh các hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp tham dự có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản; cũng như các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hà Nội hiện là thị trường tiêu thụ có sức mua lớn với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập. Cùng với đó là hệ thống tiêu thụ hiện đại với 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 455 chợ, hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn... Hệ thống hạ tầng thương mại này vẫn đang được đầu tư, phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết để thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế, xã hội của Hà Nội thì việc đẩy mạnh các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, du lịch để tăng sức mua, tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ… là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Với định hướng này, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo bà Lan, hội nghị kết nối cung cầu, trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng Việt tổ chức từ ngày 28/5 đến 31/5 (tại số 2 Lê Thạch, Hà Nội) với sự tham gia của trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của Hà Nội và các tỉnh, thành phố kết nối với hệ thống phân phối của Hà Nội và cả nước, góp phần tái khởi động nền kinh tế thành phố sau ảnh hưởng của dịch COVID-19

Trước đó, trong năm 2019, nhờ việc kết nối, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại, nhiều địa phương đã đạt doanh thu hàng hóa tiêu thụ tại Hà Nội trên 1.000 tỷ đồng như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận...

Ngoài ra, có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương kết nối đưa được sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh phân phối lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Hệ thống Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, siêu thị Đức Thành, các chuỗi cửa hàng tiện lợi...

Ở chiều ngược lại, hàng hóa, nông sản từ các địa phương tạo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu cho thị trường Thủ đô. Đặc biệt, nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương đã được các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô...

Hóa giải những điểm nghẽn

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua đã mang lại những kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng.

Kích cầu thị trường nội địa, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng hóa ảnh 2Xu hướng tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm cần bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt, với các Chương trình kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, theo bà Trần Thị Phương Lan, thông qua hệ thống phân phối hiện đại, nông dân được hướng dẫn phương pháp sản xuất tiên tiến, đầu tư bao bì, bảo quản…, có đầu ra sản phẩm ổn định với thu nhập cao hơn.

Tuy vậy, ở khía cạnh của doanh nghiệp phân phối, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho rằng, xu hướng tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm cần bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý... Không bảo đảm các yêu cầu trên, nông sản, hàng hóa sẽ gặp khó khi tiêu thụ.

Về phía Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua, Bộ Công Thương đã thúc đẩy mạnh việc kết nối để tiêu thụ được hàng hóa sản xuất trong nước đặc biệt là hàng hóa chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới thân thiện với môi trường. Chính vì vậy việc kết nối cung-cầu, đảm bảo được tiêu thụ hàng hóa vào các hệ thống phân phối là rất quan trọng.

Để phát triển thị trường nội địa, bà Nga cho biết, bên cạnh các giải pháp về hoàn thiện thể chế thì nhiệm vụ trọng tâm được các bộ, ngành tập trung là nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật để tạo ra được môi trường lành mạnh, thông thoáng nhất, kích thích được đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như kích thích được tiêu dùng hàng hóa bằng những Chương trình phù hợp nhất với người tiêu dùng Việt Nam.

“Hơn ai hết, các doanh nghiệp cần phải đưa ra các loại hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng, đây cũng là cơ hội đặc biệt với những doanh nghiệp đã tiếp cận được với thị trường nước ngoài đồng thời giới thiệu được đến với người tiêu dùng trong nước biết được những sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn thế giới, đạt chuẩn của những quốc gia khó tính nhất trên thế giới,” bà Nga lưu ý thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục