Kịch “Sayonara”: Sự kết hợp giữa con người và robot

Điểm nhấn của vở diễn “Sayonara” là màn thể hiện cảm xúc buồn thương của một người máy mang tên Geminoid F sau khi cô chủ qua đời.
Chương trình “Trình diễn kịch nói với người máy” mang tên “Sayonara” [“Sayonara” trong tiếng Nhật có nghĩa là “Tạm biệt”-PV] sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô vào ngày 31/8 tới tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội).

“Sayonara” là một vở kịch ngắn đầy sáng tạo do diễn viên người thật đóng cùng với Geminoid F-một người máy với diện mạo giống hệt một người mẫu nữ, được phòng thí nghiệm của Giáo sư Ishiguro tạo ra năm 2010.

Thông tin từ ban tổ chức cho hay, “Sayonara” là kết quả của sự hợp tác giữa kịch tác gia danh tiếng thế giới kiêm đạo diễn sân khấu-giáo sư Oriza Hirata (Đại học Osaka) và đoàn kịch Seinendan với chuyên gia người máy hàng đầu của Nhật Bản là giáo sư Hiroshi Ishiguro (Đại học Osaka).

Sự hợp tác này bắt đầu từ năm 2007 và những vở kịch của họ (có con người diễn cùng robot) là những đột phá trong nghệ thuật và khoa học.  

“Sayonara,” robot Geminoid F xuất hiện với vai trò là người đọc thơ (bằng tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Đức) cho một cô chủ trẻ đang lâm bệnh nặng nghe. Điểm nhấn của vở diễn là màn thể hiện cảm xúc buồn thương của người máy sau khi cô chủ qua đời.

Tuy chỉ kéo dài 30 phút nhưng “Sayonara” nhưng đặt ra cho người xem câu hỏi: Sự sống và cái chết có ý nghĩa gì với con người và robot?

“Sayonara” đã được công diễn lần đầu vào năm 2010 tại Nhật Bản. Sau đó, vở kịch được đem đi giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới như Áo, Pháp, Đức, Đan Mạch, Mỹ, Italy…

Ngày 31/8, vở kịch sẽ được giới thiệu tới khán giả Hà Nội với ba suất diễn vào lúc 10 giờ, 15 giờ và 20 giờ.

Chương trình do Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội tổ chức, hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2013).

Vé vào cửa miễn phí được phát tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội (27 Quang Trung, Hà Nội)./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục