Kiên Giang: Tăng trưởng kinh tế cao, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của tỉnh Kiên Giang ước đạt 6,37% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xuất khẩu đều tăng trưởng.
Kiên Giang: Tăng trưởng kinh tế cao, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch ảnh 1Hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển, đảo tỉnh Kiên Giang có nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm cá khô, tôm khô, khô mực. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP ước đạt 6,37% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay; trong đó khu vực 1 tăng 2,49%; khu vực 2 tăng hơn 7%; khu vực 3 tăng gần 11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,55%.

Trong 24 chỉ tiêu được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao năm 2023, đến nay có 9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 8 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch; 1 chỉ tiêu đạt dưới 50% và 6 chỉ tiêu cuối năm đánh giá.

Kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xuất khẩu đều tăng; lĩnh vực du lịch tăng trưởng mạnh, nhất là lượng khách và doanh thu.

Sản lượng lúa đạt 2,5 triệu tấn, vượt 4,2% kế hoạch và tăng 3,05% so cùng kỳ; Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước 22.285,13 tỷ đồng, đạt 46,25% kế hoạch và tăng 10,68% so cùng kỳ.

Tổng lượt khách du lịch ước 4,95 triệu lượt, đạt 59,7% kế hoạch, tăng 42% so cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 78,3% kế hoạch, tăng 156% so cùng kỳ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 22.197 tỷ đồng, bằng 46,07% kế hoạch và tăng hơn 10% so cùng kỳ.

Nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng cao, nhất là các sản phẩm thuộc ngành chế biến, chế tạo ước đạt 21.123,30 tỷ đồng, tăng 10,37% so với cùng kỳ, chiếm 95,16% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Hoạt động thương mại tiếp tục khởi sắc và đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 67.780 tỷ đồng, bằng 46,75% kế hoạch, tăng 31,62% so với cùng kỳ.

[Kiên Giang: Giải ngân vốn đầu tư công hơn 1.109 tỷ đồng, tăng 1,6 lần]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như đầu tư công chưa đảm bảo tiến độ theo quy định, nhất là đối với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; kinh tế tăng trưởng chưa đạt kịch bản đề ra; dù được Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá của ngư dân sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị trong 6 tháng cuối năm, các cấp, ngành, địa phương chủ động, chỉ đạo rà soát các chỉ tiêu, trong đó tính đến các chỉ tiêu bù đắp phải phù hợp đặc điểm tình hình từng ngành, từng địa phương, khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế trong 6 tháng đầu năm... phấn đấu để thực hiện đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang. Tất cả phải cố gắng, đồng lòng, không ngành nào, địa phương nào đùn đẩy trách nhiệm, mà phải phối hợp thật tốt tạo sức mạnh tập thể.

Kiên Giang: Tăng trưởng kinh tế cao, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch ảnh 2Tàu cá ngư dân Kiên Giang trên vùng biển Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, triển khai nghiêm túc có hiệu quả 17 nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06; đảm bảo nguồn cung lao động cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trọng điểm của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị ngành y tế tập trung giải quyết những tồn đọng, khắc phục việc chậm xây dựng danh mục, lập kế hoạch và tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu chữa bệnh cho nhân dân. Ngành Giáo dục rà soát đội ngũ giáo viên thừa, thiếu, chuẩn bị cho năm học mới.

Ngành lao động-thương binh và xã hội và các địa phương quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là rà soát, nắm tình hình công nhân mất việc ở các khu công nghiệp để có hướng hỗ trợ kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục